Các nhóm nhân quyền quyết chặn lệnh du hành mới

Những người biểu tình phản đối lệnh cấm du hành tại Sân bay Quốc tế San Diego, Mỹ, 6/3/2017.

Các nhóm nhân quyền nói sắc lệnh mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hôm thứ Hai không có gì khác so với sắc lệnh đầu tiên được đưa ra vào tháng 1 và cho biết họ sẽ ngăn chặn nó. Các tòa án liên bang đã chặn lệnh cấm đầu tiên của Tổng thống Trump vào tháng trước sau khi nó gây ra sự bối rối tại các sân bay trong nước và quốc tế và bị chỉ trích nặng nề. Phiên bản mới của sắc lệnh này bỏ lệnh cấm vô thời hạn đối với những người tị nạn Syria và cũng bỏ Iraq ra khỏi danh sách 7 nước có phần lớn người Hồi giáo sinh sống bị cấm trong sắc lệnh trước đây. Nhưng nó lại tái khẳng định một lệnh cấm tạm thời đối với tất cả người tị nạn. Theo ghi nhận của Zlatica Hoke của đài VOA, có những phản ứng trái ngược nhau đối với sắc lệnh mới này.

Lệnh cấm du hành mới sửa đổi được đưa ra 6 tuần sau khi sắc lệnh ban đầu gây ra những bối rối tại các sân bay trong nước và quốc tế trước khi nó bị các tòa án liên bang chặn lại. Nhà Trắng hôm thứ Hai đã bảo vệ sắc lệnh ban đầu, cho biết rằng phiên bản được chỉnh sửa được đưa ra chỉ nhằm mục đích tránh sự kiện tụng và tăng tốc quá trình đảm bảo an ninh ở các đường biên giới của Mỹ.

Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson nói lệnh cấm này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ đất nước trước sự xâm nhập của những kẻ khủng bố nước ngoài vào Mỹ:

"Và Bộ Ngoại giao sẽ thực thi những điều khoản trong sắc lệnh này, cho phép những người tị nạn vào Mỹ khi họ được xác định rằng sẽ không đe dọa đến an ninh hoặc ảnh hưởng đến các phúc lợi của Mỹ."

Your browser doesn’t support HTML5

Ông Trump ban hành lệnh cấm du hành mới

Các đảng viên Dân chủ tại Quốc hội ngay lập tức lên án sắc lệnh mới, cho rằng nó không khác gì so với sắc lệnh ban đầu.

Dân biểu Chuck Schumer là thành viên đảng Dân chủ của bang New York và là người lãnh đạo khối thiểu số của Thượng viện Mỹ. Ông nói:

"Nó chỉ là một lớp sơn mới trên 1 chiếc xe cũ không còn hoạt động được nữa."

Các nhóm nhân quyền nói lệnh cấm du hành được sửa đổi tiếp tục đối xử phân biệt với người Hồi giáo và do đó không hợp pháp.

Ông Lee Gelernt là một luật sư và hiện là phó giám đốc dự án Quyền của người nhập cư của Liên đoàn tự do dân sự Mỹ. Ông cho biết:

"Lệnh cấm đã rất hạn chế ngay từ đầu. Nó loại bỏ một số phức tạp về pháp lý như quyền của các thường trú nhân hợp lệ. Nhưng nó không giải quyết được những mâu thuẫn cơ bản với hiến pháp mà chúng ta đã thấy trong sắc lệnh ban đầu, theo đó phân biệt đối xử dựa trên tôn giáo. Và do đó chúng tôi sẽ tiếp tục thách thức sắc lệnh này."

Những người tị nạn Syria ở Jordan được dự định sẽ tái định cư tại Mỹ đã thất vọng về sắc lệnh đầu tiên.

Mahmoud Mansour là một người tị nạn Syria đang chờ được tái định cư tại Mỹ:

"Chúng tôi đã chờ đợi cả năm trời. Chúng tôi đã trải qua nhiều cuộc sát hạch. Chúng tôi rất bối rối và mệt mỏi vì những quy trình mất nhiều thời gian. Chúng tôi đã sẵn sàng để đi định cư thì bị chặn lại. Chúng tôi hy vọng sắc lệnh mới sẽ cho chúng tôi 1 chút hy vọng."

Người dân Iraq đã rất hoan nghênh sắc lệnh mới vì nó bỏ Iraq ra khỏi lệnh cấm du hành.

Fadi Salah là một thành viên của tổ chức phi chính phủ của Iraq Lutheran World Federation:

"Một điều tốt là chúng tôi giờ đây có thể tới Mỹ và chứng minh cho bản thân chúng tôi, mà thực ra là sau này khi chúng tôi trở lại đất nước mình và chứng minh điều đó."

Sắc lệnh mới có hiệu lực vào 16/3. Nó tạm thời cấm những người mang hộ chiếu Syria, Iran, Libya, Somalia, Sudan và Yemen không được du hành tới Mỹ.