Các nhóm nhân quyền kêu gọi chính quyền Thái Lan không thi hành việc dẫn độ nhà hoạt động Y Quynh Bdap về Việt Nam sau khi ông bị tòa Hình sự Bangkok ra phán quyết dẫn độ theo yêu cầu của Hà Nội.
Tổ chức Đoàn kết Công giáo Toàn cầu (CSW) hôm 30/9 kêu gọi chính phủ Thái Lan bảo vệ quyền không bị đẩy trả lại (non-refoulment) của ông Y Quynh Bdap và kêu gọi thủ tướng nước này không thực thi lệnh dẫn độ ông về Việt Nam.
“Nếu ông ấy bị trả về, ông sẽ phải đối mặt với sự đối xử khủng khiếp và Thái Lan sẽ tham gia vào một hành động đàn áp xuyên quốc gia”, ông Mervyn Thomas, chủ tịch sáng lập tổ chức CSW ở Anh Quốc, nói trong một tuyên bố.
“CSW kêu gọi chính phủ Thái Lan bảo vệ quyền bị không đẩy trả lại của ông Y Quynh Bdap và chúng tôi thỉnh cầu Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra không ra lệnh dẫn độ ông”, ông Thomas nhấn mạnh.
Cũng hôm 30/9, tổ chức Qũy Nhân quyền (HRF) kêu gọi chính phủ Thái Lan ngưng dẫn độ nhà hoạt động vì quyền tự do của người Thượng về Việt Nam. “HRF kêu gọi Thái Lan trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Y Quynh Bdap”.
“Việc dẫn độ về Việt Nam sẽ khiến ông có nguy cơ bị đối xử vô nhân đạo và hạ nhục”, tổ chức HRF, có trụ sở New York, Mỹ, đưa ra lời kêu gọi trên X hôm 30/9.
Your browser doesn’t support HTML5
Hôm 30/9, như VOA đã đưa tin, Tòa án Hình sự Bangkok ra phán quyết dẫn độ ông Y Quynh Bdap theo yêu cầu của Việt Nam. Nhà hoạt động 32 tuổi này, đồng thời là đồng sáng lập viên tổ chức Người Thượng vì Công lý (MSFJ), đã bị giam giữ ở Thái Lan kể từ tháng 6/2024.
Hồi tháng 1/2024, một tòa án ở tỉnh Đắk Lắk của Việt Nam tuyên án vắng mặt ông Y Quynh Bdap 10 năm tù với cáo buộc “khủng bố”, cho rằng ông đã tham gia cuộc bạo loạn chống chính quyền vào tháng 6/2023 ở tỉnh này.
“Tổ chức Người Thượng vì Công lý (MSFJ) cực lực phản đối quyết định của Tòa án Hình sự Bangkok hôm 30/9 về việc dẫn độ ông Y Quynh Bdap theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam”, ông Y Phic Hdock ở Mỹ, đồng sáng lập viên của tổ chức MSFJ, nêu nhận định với VOA. “Phán quyết này không chỉ vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế mà còn dựa trên những cáo buộc hoàn toàn sai sự thật và vô căn cứ”.
“MSFJ khẳng định ông Y Quynh Bdap không hề liên quan đến vụ nổ súng ở tỉnh Đắk Lắk hồi tháng 6/2023”, vị đại diện của MSFJ nói thêm.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Thái Lan, Bộ Ngoại giao Việt Nam, cùng Tòa Hình sự Bangkok, đề nghị họ đưa ra bình luận về những lời kêu gọi trên, nhưng chưa được trả lời.
Trao đổi với VOA News sau phiên tòa, bà Nadthasiri Bergman, luật sư của ông Y Quynh Bdap, cho biết thẩm phán đã phớt lờ luật chống tra tấn của Thái Lan, cấm trục xuất người dân đến các quốc gia nơi họ có thể phải đối mặt với sự tra tấn, đồng thời cho rằng việc thực thi phán quyết này là tùy thuộc vào chính phủ - chứ không phải do tòa.
Chính phủ Thái Lan có 90 ngày để xem xét liệu có thực thi yêu cầu dẫn độ sau khi tòa án đã phê chuẩn hay không, trừ khi ông Y Quynh Bdap và luật sư của ông kháng cáo phán quyết. Bà Bergman cho VOA News biết họ sẽ kháng cáo và thời hạn 90 ngày đó sẽ chỉ bắt đầu được tính sau khi quá trình kháng cáo kết thúc mà thân chủ của bà bị tuyên y án.
Ông Sunai Phasuk, nhà nghiên cứu cấp cao của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ở Thái Lan, nhận định với VOA rằng phán quyết của tòa hôm 30/9 “gây sốc và thất vọng” vì đã phớt lờ cả nghĩa vụ quốc tế của đất nước lẫn luật của chính nước này chống việc đẩy trả lại.
“Nhà cầm quyền Việt Nam có hồ sơ dày về việc ngược đãi những người bất đồng chính kiến, đặc biệt là những người nằm trong danh sách truy nã như Y Quynh Bdap. Vì vậy, có lo ngại rằng ông sẽ bị chính quyền Việt Nam ngược đãi khi ông bị giam giữ; bao gồm cả tra tấn, bao gồm cả việc cưỡng bức mất tích,” ông Phasuk nêu ý kiến với VOA News.
Vào tháng 5, HRW công bố một báo cáo chi tiết cáo buộc Thái Lan ngày càng trở nên nguy hiểm hơn đối với những người xin tị nạn nước ngoài trong thập kỷ qua bằng cách tham gia vào một “chợ trao đổi” [swap mart] không chính thức với các nước láng giềng, theo đó, các bên trao trả những người bất đồng chính kiến của nhau bất kể việc họ có thể bị bắt, bị tra tấn hoặc bị giết hại ở quê nhà.
Truyền thông Việt Nam gọi ông Y Quynh Bdap là “kẻ phá hoại buôn làng”, còn tổ chức MSFJ do ông đồng sáng lập là “chức phản động”.
Chính quyền Việt Nam quy kết rằng MSFJ là tập hợp những người có tư tưởng chống phá nhà nước Việt Nam, với vỏ bọc đấu tranh đòi công lý cho người Thượng ở Tây Nguyên, là những người “đã xuyên tạc, bóp méo, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, đòi ly khai, tự trị”. Tuy nhiên, MSFJ đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ các cáo buộc này.