Số dân Mỹ tin tưởng vào Tổng thống Joe Biden đã giảm xuống tới mức ngang với cựu Tổng thống Donald Trump khi ông còn tại chức. Ngoài những vấn đề chính như vụ rút quân khỏi Afghanistan, biến thái Delta khiến bệnh dịch Covid-19 trầm trọng hơn, ông Biden còn mất uy tín khi chịu bó tay không thúc đẩy được quốc hội thông qua các dự luật chi tiêu của chính phủ. Nhiều đại biểu Hạ viện thuộc đảng Dân chủ đã ngăn cản. Họ được được là “nhóm cấp tiến” hoặc nặng hơn, là “phe cực đoan.”
Có hai dự luật quan trọng trong chương trình của chính phủ Biden. Thứ nhất là dự luật xây dựng Hạ tầng Cơ sở, chi tiêu $1 ngàn tỷ mỹ kim. Thứ nhì là dự luật lớn hơn, chi $3.5 ngàn tỷ mà đảng Cộng Hòa và một số nghị sĩ Dân chủ coi là nhiều quá.
Thượng viện đã thông qua Dự luật Hạ tầng Cơ sở, được cả 19 nghị sĩ Cộng Hòa ủng hộ. Nếu tất cả các đại biểu Dân chủ chiếm đa số ở Hạ viện đồng ý, chỉ cần Tổng thống Biden ký là dự luật này thành sự thật, đánh dấu một thành công lớn cho đảng Dân chủ và ông tổng thống. Dân biểu và nghị sĩ cả hai đảng đều có thể coi đó là một thành tích có thể đem khoe với cử tri của mình, khi người dân thấy các đường xá, cầu cống được tu chỉnh, hệ thống dẫn điện mạnh hơn, các làng xóm xa xôi cũng có internet, và rất nhiều người có việc làm.
Bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện đã hứa hẹn như vậy. Nhưng rất nhiều đại biểu Dân chủ trong Hạ viện không chịu. Họ muốn cả hai dự luật phải được thông qua, nếu không thì họ cũng không ủng hộ dự luật thứ nhất. Vì trong dự luật $3.5 ngàn tỷ có nhiều khoản chi tiêu cho các chương trình xã hội cấp tiến, như trợ cấp cho trẻ em, trông con giúp các bà mẹ đi làm, giáo dục miễn phí. Đó là những chương trình đã được áp dụng tại tất cả các nước Âu châu tiến bộ, Canada, Australia, vân vân.
Những đại biểu “cấp tiến” không muốn bỏ phiếu thuận cho Dự luật Hạ tầng Cơ sở. Họ lo rằng nếu luật đó thông qua rồi thì chính trong đảng Dân chủ sẽ có nhiều người muốn cắt bớt các món chi tiêu trong số $3.5 ngàn tỷ trên, và chính ông Biden sẽ chịu thua. Đảng Dân chủ đang chiếm đa số rất mỏng manh. Chỉ cần một nghị sĩ hoặc 5 dân biểu Dân chủ không ủng hộ là các dự luật sẽ không đủ phiếu thông qua. Phe “cấp tiến” muốn chính họ dùng áp lực đó trước phe “ôn hòa!”
Không biết trong thời gian tới ông Biden và bà Pelosi sẽ “thuyết phục” các đại biểu Dân chủ cấp tiến như thế nào! Nhưng đây là một hiện tượng diễn ra trong cuộc sống chính trị nước Mỹ, bên trong cả hai đảng. Mỗi đảng Cộng Hòa hay Dân chủ đều có một nhóm đại biểu “cực đoan, không thỏa hiệp.”
Những đại biểu gọi là “cấp tiến” trong đảng Dân chủ phần lớn trẻ tuổi, những người coi là “ôn hòa” già hơn. Những người trẻ vận động giỏi hơn, đáp ứng đúng các khát vọng của cử tri theo hướng cực đoan hơn. Những người lớn ôn hòa không được họ ủng hộ. Những người cấp tiến thì chỉ muốn làm vừa ý “quần chúng cơ bản” của mình.
Năm 2008, ông Barack Obama trở thành vị tổng thống da đen đầu tiên. Một đợt sóng các chính trị gia Cộng Hòa trẻ tuổi trong phong trào Tea Party đã dấy lên, thay thế những người lớn tuổi và ôn hòa trong đảng. Đảng Cộng Hòa chiếm Hạ viện sau cuộc bầu cử năm 2010’ và chiếm Thượng viện năm 2016.
Năm 2013, một vấn đề bất đồng ý kiến mạnh nhất giữa hai phe Cộng Hòa già và trẻ là bản dự luật ngân sách, trong đó có chi phí cho chương trình y tế của chính phủ, thường gọi là Obama Care. Phe kỳ cựu chấp nhận thỏa hiệp nhưng phe trẻ chống Obama Care đến cùng, vì “quần chúng cơ bản” của họ muốn như vậy. Phe trẻ thắng, chính phủ không có ngân sách lại phải đóng cửa. Các dân biểu “cấp tiến” trong đảng Dân chủ đang “bảo vệ lập trường” cũng cứng rắn như vậy.
Vì đâu có những nhóm đại biểu cực đoan, không thỏa hiệp, nằm trong mỗi đảng? Một lý do là cách phân chia những đơn vị bầu cử Hạ viện tại các tiểu bang. Khi một đảng nắm quyền ở Nghị viện tiểu bang, họ cắt, chia các đơn vị bỏ phiếu với chủ ý bảo đảm trong các đơn vị đó cử tri của mình chiếm đa số. Công việc này, người Mỹ gọi là “gerrymandering” vì nó khiến cho hình dạng các đơn vị bầu cử méo mó, lằng ngoằng, giống như hình vẽ con kỳ đà! Tạm dịch là “kỳ đà hóa!”
Với thủ đoạn “gerrymandering,” các đảng có thể bảo đảm phe mình sẽ luôn luôn thắng trong nhiều đơn vị. Họ chỉ cần vận đồng các cử tri “quần chúng cơ bản” của đảng mình, để được đưa ra tranh cử, sau đó là “ăn chắc!” Số các đơn vị “ăn chắc” này ngày càng nhiều hơn, số đơn vị “nghiêng ngửa,” có khi bầu cho đảng này, có khi bầu đảng khác, ngày càng bớt đi.
Theo nhà báo Gerald F. Seib, trên Wall Street Journal ngày 4 tháng 10 năm 2021 thì năm 1997 có đến 164 trong số 435 đơn vị tranh cử Hạ viện Mỹ thuộc loại “nghiêng ngửa,” không chắc đảng nào thắng. Năm nay, chỉ còn 78 đơn vị được coi là “nghiêng ngửa.” Nghĩa là tổng số dân biểu “ăn chắc” của hai đảng đã tăng lên tới 357 ghế.
Muốn thắng tại các đơn vị “nghiêng ngửa,” thì các ứng cử viên phải tỏ ra ôn hòa, để thu hút cử tri thuộc cả hai khuynh hướng, Cộng Hòa hoặc Dân chủ. Còn những đại biểu “ăn chắc” thì chỉ cần “phục vụ” cho các cử tri riêng của họ mà thôi. Nếu họ tỏ ra thỏa hiệp với “phe địch” thì còn có thể bị “quần chúng cơ bản” chống, các người cùng đảng sẽ nhảy ra giành chỗ!
Hiện nay những đại biểu “cực đoan,” “không thỏa hiệp” trong cả hai đảng đều đại diện cho các đơn vị “ăn chắc.”
Dân biểu Marjorie Taylor Greene, C.H., tiểu bang Georgia đại diện cho một đơn vị có cử tri đa số Cộng Hòa cao hàng thứ 12 trong cả nước. Bà Pramila Jayapal, D.C., tiểu bang Washington đại diện cho một vùng mà tỷ số cử tri bầu tổng thống cho đảng Dân chủ gấp rưỡi tỷ lệ trên toàn quốc, trong cả hai cuộc bầu cử 2016 và 2022.
Có phương thuốc nào để chữa trị “căn bệnh” này không?
Phải thay đổi luật bầu cử. Đặc biệt, phải ngăn chặn thủ đoạn “kỳ đà hóa,” (gerrymandering). Việc này rất khó vì hiến pháp Mỹ dành quyền tổ chức bầu cử cho các tiểu bang.
Các tiểu bang như Washington, California, đã đặt ra những luật bầu cử để giảm bớt ảnh hưởng của các củ tri cực đoan. Luật cho phép mọi người đều được tham dự các cuộc bỏ phiếu sơ bộ, không phân biệt đảng chính trị. Hai người nhiều phiếu nhất sẽ ra tranh cử với nhau. Các tiểu bang Alaska và Nebraska cũng mới làm luật tương tự, riêng Alaska cho 4 người tranh giải chót thay vì 2 người. Những phương pháp bầu sơ bộ kiểu này sẽ khuyến khích cử tri đi bỏ phiếu nhiều hơn. Và trong cuộc tranh đua, những ứng cử viên cực đoan sẽ không được đa số ủng hộ!
Muốn các tiểu bang khác cũng đi tìm “thuốc chữa” thì chính người dân phải tạo áp lực trên các nhà chính trị. Thế nào rồi người dân cũng hành động!