Các nhà ngoại giao Mỹ và khu vực nhóm họp để thảo luận về tương lai của Syria

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken (phải) trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan trong cuộc họp với các bộ trưởng ngoại giao của Nhóm liên lạc Ả Rập về Syria tại thành phố ven biển Aqaba, phía Nam Biển Đỏ của Jordan hôm 14/12/2024.

Các nhà ngoại giao hàng đầu từ Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu và các quốc gia Ả Rập họp tại Jordan hôm 14/12 để đàm phán về Syria khi các cường quốc khu vực và toàn cầu tranh giành ảnh hưởng đối với bất kỳ chính phủ nào thay thế Tổng thống bị lật đổ Bashar al-Assad.

Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ sắp mãn nhiệm Joe Biden đã bắt đầu hợp tác với các nhóm phiến quân chiến thắng bao gồm Hayat Tahrir al-Sham (HTS). Nhóm này đã chỉ huy một cuộc tấn công chớp nhoáng và kết thúc bằng việc chiếm được Damascus hôm 8/12.

Ông Biden đã cử Ngoại trưởng Antony Blinken đến khu vực này trong tuần qua để tìm kiếm sự ủng hộ cho các nguyên tắc mà Washington hy vọng sẽ định hướng cho quá trình chuyển đổi chính trị của Syria, chẳng hạn như tôn trọng các nhóm thiểu số.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia láng giềng phía bắc của Syria, trong nhiều năm qua đã ủng hộ các lực lượng đối lập Syria tìm cách lật đổ ông Assad và đang chuẩn bị đóng một vai trò có ảnh hưởng ở Damascus.

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho biết hôm 13/12 rằng đại sứ quán của nước ông tại thủ đô Syria sẽ tiếp tục hoạt động vào ngày 14/12, sau khi giám đốc tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đến thăm vào tuần này.

Jordan, quốc gia láng giềng khác của Syria, đứng ra tổ chức cuộc họp hôm 14/12 tại Aqaba. Nga và Iran, những nước ủng hộ chính của ông Assad, đã không được mời.

Ông Blinken, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Geir Pederson và người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Kaja Kallas, cùng ông Fidan và các bộ trưởng ngoại giao từ Jordan, Ả Rập Xê Út, Iraq, Lebanon, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain và Qatar đã họp quanh một chiếc bàn tròn tại nhà khách của chính phủ Jordan. Không có đại diện Syria nào tại bàn họp.

Các nhà ngoại giao Ả Rập trước đó đã họp riêng và đưa ra tuyên bố kêu gọi một cuộc chuyển giao chính trị hòa bình và toàn diện hướng tới các cuộc bầu cử và một hiến pháp mới cho Syria. Các bộ trưởng ngoại giao cho biết họ cam kết chống lại chủ nghĩa khủng bố, mà họ gọi là mối đe dọa đối với an ninh ở Syria, khu vực và thế giới.

Ông Blinken, khi gặp ông Pederson tại khách sạn của ông vào đầu ngày 14/12, cho biết rằng đây là thời điểm "vừa là cơ hội vừa là thách thức thực sự" đối với Syria.

Các nhà ngoại giao Ả Rập tham dự các cuộc đàm phán nói với Reuters rằng họ đang tìm kiếm sự đảm bảo từ Thổ Nhĩ Kỳ về sự ủng hộ của họ cho một tiến trình chính trị toàn diện ngăn chặn sự phân chia Syria theo các đường lối giáo phái.

Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ, cả hai đều là thành viên NATO, có lợi ích xung đột khi nói đến một số phiến quân. Phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở miền bắc Syria đã đụng độ với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo.

SDF, vốn kiểm soát một số mỏ dầu lớn nhất của Syria, là đồng minh chính trong liên minh của Hoa Kỳ chống lại các chiến binh Nhà nước Hồi giáo. Nhóm này do lực lượng dân quân YPG dẫn đầu. YPG là một nhóm mà Ankara coi là sự mở rộng của các chiến binh Đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn đã chiến đấu với nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ trong 40 năm và bị Ankara coi là bất hợp pháp.

Theo một quan chức Hoa Kỳ, ông Blinken đã nói với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến thăm Ankara hôm 12 và 13 rằng không thể để cho Nhà nước Hồi giáo tập hợp lại và SDF không được sao nhãng khỏi vai trò bảo vệ các trại đang giam giữ các chiến binh IS. Quan chức trong phái đoàn Hoa Kỳ cho biết rằng các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý với điều đó.

Sau đó vào ngày 13/12, ông Fidan nói với đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ rằng việc tiêu diệt YPG là "mục tiêu chiến lược" của Thổ Nhĩ Kỳ và kêu gọi các chỉ huy của nhóm này rời khỏi Syria.