Các nhà hoạt động nhân quyền nói việc ông Chu Cường, thẩm phán tối cao của Trung Quốc cho rằng việc đàn áp các luật sư nhân quyền là một trong những thành tựu to lớn nhất trong năm qua có thể là một chỉ dấu cho thấy việc đàn áp các luật sư vẫn còn lâu mới chấm dứt.
Những người này cũng nghi ngờ về viễn kiến của ông Chu theo đuổi cải cách tư pháp và tính độc lập trong tương lai của tòa án Trung Quốc.
Phát biểu trước Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào ngày Chủ Nhật 12 tháng 3, ông Chu Cường, chủ tịch Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc mở đầu báo cáo công tác hàng năm bằng cách trước tiên là hứa trung thành với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và sự cai trị của Đảng Cộng sản.
Sau đó ông ca ngợi thành tựu đầu tiên của Tòa án ở mọi cấp trong việc đảm bảo an ninh quốc gia và ổn định xã hội. Ông nói trừng phạt đích đáng được dành cho những người như Chu Thế Phong âm mưu lật đổ quyền lực nhà nước.
Ông Chu Thế Phong là giám đốc công ty luật Fengrui ở Bắc Kinh, là tâm điểm của việc chính phủ đàn áp hơn 300 nhà hoạt động bênh vực nhân quyền kể từ tháng 7 năm 2015 sau khi nhận bào chữa cho thân chủ trong những vụ án nhạy cảm thách thức nhà cầm quyền.
Việc đàn áp các luật sư chỉ vì công việc của họ đã khiến cho các tổ chức nhân quyền, Hoa Kỳ, Liên hiệp Châu Âu và những tổ chức luật pháp nước ngoài kêu gọi trả tự do cho những người này.
Luật sư Chu bị kết án 7 năm tù vào tháng 8 năm ngoái căn cứ vào những lời thú tội của ông trong 13 tháng bị giam và tòa cũng không cứu xét chứng cứ hay bào chữa đối với tội lật đổ chính quyền của ông.
Nhiều nhà quan sát mô tả vụ án của luật sư và những bị cáo khác là “những vụ xử giả hiệu, hầu như là một trò chơi chính trị.”
Với vụ xử luật sư này được gán cho nhãn hiệu là một thành tựu dưới con mắt của thẩm phán tối cao Trung Quốc, nhiều nhà hoạt động nhân quyền nói việc này cho thấy bản chất thực sự của sự cai trị chuyên chế của Trung Quốc. Điều này cũng đưa ra ánh sáng về việc chính phủ tiếp tục đàn áp các luật sư.
Bà Vương Tùng Liên, một nhà nghiên cứu về nhân quyền tại Hong Kong nói:
“Tôi nghĩ với lời nói cho rằng việc đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền là một thành tựu thì đây là một chỉ dấu đáng báo động là việc này sẽ tiếp tục là một phần chính trong chính sách của Trung Quốc trong một tương lai gần.”
Bày tỏ những quan ngại tương tự, Tổ chức những Luật sư Quan tâm đến Nhân quyền Trung Quốc có trụ sở tại Hong Kong cũng nói trong một thông cáo báo chí là an ninh quốc gia Trung Quốc được định nghĩa một các quá mơ hồ thường được dùng như một công cụ để đàn áp những người bất đồng chính kiến và tước bỏ những quyền hợp pháp của họ.
Tổ chức này cũng gọi viễn kiến của thẩm phán tối cao về việc tăng cường giám sát những thủ tục kiện tụng và đảm bảo quyền của các bị cáo là “dối trá to lớn” vì chính phủ không công nhận thái độ vi phạm luật pháp của họ trong các hành động pháp lý chống lại các luật sư nhân quyền.
Trong báo cáo dài dằng dặc, chủ tịch Tòa án Nhân dân Tối cao Chu Cường phát họa viễn kiến của ông đẩy mạnh cải cách tư pháp bằng cách thiết lập những thủ tục hình sự để xét xử, chấp nhận sự giám sát của Đại hội Đại biểu nhân dân Toàn quốc và công chúng, và dùng hội thẩm đoàn trong các vụ xử để dân chủ hóa Tòa án. Ông nói thêm là 22.000 thành viên của hội thẩm đoàn đã tham dự hơn 3 triệu vụ án, chiếm 77% những vụ xử đầu tiên trong năm qua.
Tuy nhiên bà Vương cho rằng những lời hứa của thẩm phán tối cao chỉ đơn giản là “tuyên truyền và ảo tưởng.” Bà nói việc này tạo hy vọng cho người dân bình thường trong khi chính phủ nhận thức được lòng khao khát công lý tại Trung Quốc của những người hoặc là nạn nhân của bất công hay xem các Tòa án là những nơi tham nhũng tột độ.
Bà nói:
“Hệ thống Tòa án có nhiều khúc mắc này chắc chắn là không sản xuất được những thay đổi cơ bản nếu Tòa án không được độc lập.”
Bà Vương nói thêm nhà cầm quyền Trung Quốc từ lâu đã nói rõ là việc cai trị theo luật pháp giống như một con dao nắm chặt trong tay của đảng Cộng sản. Do đó bất cứ những cải cách tư pháp hay cai trị theo luật pháp trong tương lai có nghĩa là sẽ được sử dụng như một thứ vũ khí chống lại các nhà bất đồng chính kiến cố gắng biến chuyện này thành một cơ chế để bảo vệ quyền của cá nhân.
Nói cách khác, nếu hệ thống tư pháp Trung Quốc không bị chính trị kiểm soát, những thay đổi cơ bản của hệ thống tư pháp sẽ không xảy ra. Hai luật sư nhân quyền Trung Quốc nói với điều kiện ẩn danh.
Đài VOA nói chuyện với hai luật sư về báo cáo của ông Chu Cường là những người đã ký trong một thư ngỏ vào tháng 1 năm nay yêu cầu ông Chu từ chức sau khi ông này yêu cầu Tòa án ở mọi cấp chống lại ảnh hưởng của “dân chủ theo hiến pháp phương Tây,” “phân quyền” và “tư pháp độc lập.”
Dù cả hai luật sư đều không màng đến báo cáo của ông Chu, nhưng một luật sư cho rằng việc ông Chu hứa trung thành với chính phủ làm sai lạc vai trò một thẩm phán độc lập của ông.
Một luật sư khác nói hệ thống hội thẩm, đã được ban hành vài năm trước, sẽ chẳng bao giờ tạo nên dân chủ và tự do vì nhiều thành viên đã chứng tỏ họ không là gì khác ngoài “hoa trong bình” hay là con tốt của tòa án.
Dù trong báo cáo ông Chu nhấn mạnh là Tòa án đã tha bổng hơn 1.000 người trong năm ngoái, nhưng tỉ lệ kết án của Trung Quốc còn cao vì hơn 1,2 triệu người trong 1,1 triệu vụ bị tòa xét thấy có tội trong những vụ truy tố hình sự.
Trong khi đó hai học giả về pháp luật được Đài VOA tiếp xúc từ chối không bình luận vì sự nhạy cảm của báo cáo của ông Chu. Một người cho biết ông muốn nói nhưng không muốn nói dối về tình hình này.
Những lời bình luận trên mạng về báo cáo của ông Chu cũng chia rẽ.
Trên trang mạng Sina Weibo, những lời bình luận hầu như thuận lợi cho báo cáo công tác hàng năm của ông Chu như là “công tác của Tòa án Nhân dân Tối cao là số một” hay “Tòa án làm việc tốt năm này qua năm khác.”
Tuy nhiên những người đáp ứng với báo cáo sử dụng trang mạng của tuần báo Oriental Outlook đưa ra những lời bình luận rất tiêu cực như gọi ông Chu là “một sự ô nhục trong hệ thống tư pháp Trung Quốc” trong khi người khác đổ lỗi cho ông Chu đang mang tai họa đến cho đất nước và người dân vì ông đã từ chối không tranh đấu cho độc lập tư pháp.