Liên hiệp quốc và một số tổ chức phi chính phủ đang giúp Nepal bị động đất tàn phá đổ lỗi cho chính phủ yếu kém của nước này vốn mang tiếng là không có hiệu năng và tham nhũng, vì đã gây trở ngại cho những nỗ lực cứu trợ quốc tế.
Ban tin tức của Đài VOA đã tổng hợp những lời than phiền của các tổ chức khác nhau tại Nepal về những tắc nghẽn tại hải quan, quấy nhiễu liên tục trong việc kiểm tra các đoàn xe cứu trợ và việc các giới chức địa phương tịch thu thực phẩm và có ý đồ mang phân phối theo phe phái.
Ông Shiva Shrestha, một tài tử nổi tiếng đang giúp những nỗ lực cứu trợ nói: “Nếu chính phủ Nepal nhận thức được những gì cần phải làm là kêu gọi các tổ chức bên ngoài đã đến giúp đỡ và những tổ chức phi chính phủ địa phương và ủy nhiệm cho những tổ chức này. Nếu chính phủ tự làm việc này thì sẽ quá muộn.”
Tại Phi trường Quốc tế Tribhuvan, vật phẩm cứu trợ chất đống vì bị ùn tắc tại hải quan. Kể từ khi có trận động đất, Nepal đã bỏ thuế nhập khẩu đánh vào vải dầu và lều bạt, nhưng không miễn thuế đối với những loại hàng hóa khác cần thiết cho hàng triệu người sống sót đói khổ và mất hết nhà cửa sau trận động đất ngày 25 tháng 4.
Các giới chức Liên hiệp quốc kêu gọi phải thay đổi việc này. Ông Jamie McGoldrick, đại diện thường trú của Liên hiệp quốc tại Nepal nói với Thông tấn xã Reuter là “Họ không nên sử dụng lối kiểm tra hải quan thời bình.”
Ngay cả đối với những tổ chức địa phương các nỗ lực đòi hỏi để nhận được các vật phẩm do nước ngoài trao tặng cũng chứng tỏ là theo phong cách Franz Kalka, có nghĩa là đòi hỏi nhiều chuyến đi từ bộ này sang bộ khác để lấy chữ ký chấp thuận cho nhập khẩu.
Bà Anuradha Koirala một nhà hoạt động xã hội hàng đầu của Nepal đồng thời là sáng lập viên của tổ chức phi chính phủ Maiti Nepal “giận giữ la lối với tất cả mọi người” để cố có được sự chấp thuận của 3 bộ trong chính phủ Nepal để nhận thuốc men, chăn chiếu do một nhà hảo tâm Hồng Kông trao tặng. Bà nói “Chúng tôi bồn chồn lo lắng. Chúng tôi muốn mọi việc dễ dàng.”
Bà nghi ngờ là các cơ quan chính phủ liên hệ không làm việc đêm ngày và không tập họp được các giới chức có quyền chấp thuận vào một chỗ để giúp tăng nhanh tiến trình này.
Bà Koirala, mà tổ chức của bà nhằm chăm sóc cho các trẻ mồ côi và các phụ nữ bị ngược đãi, cuối cùng phải trực tiếp cầu cứu với cố vấn của Thủ tướng đồng thời là Quốc Vụ Khanh Leela Mani Poudyal.
Giữa những báo cáo về các đoàn xe cứu trợ bị trì hoãn do nhiều lần kiểm tra bởi các giới chức mặc sắc phục hay bị cướp giật, ngày thứ Bảy, bà Koirala đã điều động 7 xe tải đến Gorkha và được dân chúng địa phương đứng dọc bên đường bảo vệ.
Tin tức của Đài VOA xác nhận với báo cáo của một vài tổ chức phi chính phủ quốc tế và Nepal là những chuyến hàng chở đến quốc gia nằm trong đất liền dưới chân rặng Himalaya này thường xuyên bị hoãn lại hay bị nhà cầm quyền địa phương tịch thu nhưng không báo cáo vì sợ có những hậu quả tệ hại đối với công việc của họ vào thời điểm cấp thiết này.
Bà Christine Bragale, phát ngôn viên của Mercy Corps nói bà không biết được bất cứ sự trợ giúp nào của tổ chức của bà bị ngăn chận nhưng công nhận là có “rất nhiều thách thức trong việc đáp ứng và nhiều trở ngại về tiếp vận” vì “chúng tôi tất cả đều cần phải đặt hàng với số lượng lớn.”
Ông Davinder Kumar quản lý truyền thông toàn cầu của tổ chức Plan International nói tổ chức của ông hoạt động tại Nepal từ năm 1979 và “có những quan hệ rất tốt đẹp với những cộng đồng chúng tôi phục vụ.”
Theo ông Kunda Dixit chủ biên tuần báo Nepali Times thì có những người lợi dụng trong lúc khủng hoảng là điều không có gì đáng ngạc nhiên trong một quốc gia đang phục hồi sau cuộc nội chiến kéo dài một thập niên giữa phe nổi dậy Mao-ít và chính phủ và một hệ thống chính trị nhiều phe phái bị tê liệt đến nỗi hiến pháp mới chưa được thi hành.
Ông Dixit giải thích: “Tống tiền, chặn đường và tham nhũng là chuyện bình thường trong ít nhất 8 năm qua sau cuộc xung đột và trong thời gian xung đột.”
Ông Shrestha, một hình tượng lãng mạn trên màn ảnh và là một tài tử kỳ cựu nói “nếu chính phủ không làm việc này, chính phủ sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả.”
Cô Malvika Subba hoa hậu Nepal năm 2002, một người tình nguyện hàng đầu của tổ chức phi chính phủ địa phương Nepal Share đồng ý.
“Khi chính phủ áp đặt các luật lệ đối với chúng tôi, những tổ chức phi chính phủ và tất cả các tổ chức khác phải minh bạch đối với mọi vấn đề thì họ cũng cần phải minh bạch và có tránh nhiệm. Do đó họ nên làm việc này.”
Một trong những sắc lệnh của chính phủ khiến cho dư luận lên án rộng rãi có liên quan đến việc trao tặng.
Bất cứ số tiền nào các tổ chức phi chính phủ được thành lập sau trận động đất thu nhận được phải giao lại cho Quỹ của Thủ tướng để được phân phối.
Ông Dixit nói: “Trước tiên việc này không thể thi hành được. Thứ hai là biến ngay cả những người vô tội thành những tội phạm một cách không cần thiết. Và việc này không cần thiết vì đây là một giai đọan trong lịch sử đất nước chúng ta với cuộc khủng hoảng và sự cấp thiết khi chúng ta cần tất cả các sự giúp đỡ chúng ta có thể nhận được. Do đó tại sao chúng ta lại muốn bắn vào bàn chân chúng ta? Do đó tôi nghĩ có nhiều người khá đần độn có những quyết định rất ngu xuẫn trong chính phủ.”
Bà Koirala, giám đốc Malti Nepal nói những người có thể giúp trong việc phân phối cần “đi vòng ra đồng trống” tránh những nút chặn trên đường của chính phủ.
Khi một nhóm các người nước ngoài trẻ tuổi đến trụ sở phi chính phủ của bà tại Kathmandu ngày thứ Bảy, bà nói với họ rõ ràng như vậy.
Bà Koirala cho rằng chính phủ phải “cho phép tất cả mọi người, không chỉ hoạt động theo chính sách một cửa. Chúng tôi không tin rằng nếu chúng tôi trao cho chính phủ, phẩm vật cứu trợ sẽ đến tay những người đang phải chịu đựng những thiếu thốn.”
Cộng đồng quốc tế hứa sẽ cấp thêm 60 triệu đô la trợ giúp khẩn cấp để đáp ứng với trận động đất mạnh 7,8 độ Richter làm hàng ngàn người thiệt mạng.
Liên hiệp quốc cho biết một ngân khoản 350 triệu đô la cần thêm vào lúc hàng triệu người cần được trợ giúp lương thực.
Tổng số chi phí để tái thiết Nepal vào khoảng 5 tỉ đô la.
Ông Dixit1 tiên đoán: “Sẽ có nhiều vụ hối lộ. Đây là một quốc gia cực kỳ tham nhũng. Tham nhũng thực sự trở thành một bệnh dịch tại đây, ngay cả trước cuộc khủng hoảng này.”
Ông Dixit và những người khác đặt lòng tin vào các xã hội dân sự và truyền thông “sẽ theo dõi khắp nơi” để đảm bảo có trách nhiệm giải trình khi những tỉ đô la này bắt đầu thấm vào lòng đất Nepal hiện đã trải qua một sự chuyển đổi về điạ chất.