Các công ty nước ngoài cảm thấy không được hoan nghênh ở TQ

Trụ sở Công ty Microsoft ở Bắc Kinh, ngày 31/7/2014.

Các quản lý cấp cao nhất tại khoảng 500 công ty của Mỹ ở Trung Quốc nói rằng mặc dầu các cơ sở kinh doanh của họ hoạt động có lời, càng ngày họ càng cảm thấy không được hoan nghênh và bị chính phủ Bắc Kinh nhắm làm mục tiêu dò xét.

Theo kết quả cuộc thăm dò của Phòng Thương mại Mỹ năm 2015 về bầu không khí kinh doanh ở Trung Quốc, 57% các công ty nói họ cảm thấy giới điều hành ở Trung Quốc đang tập trung vào việc điều tra các công ty nước ngoài.

Cuộc thăm dò cũng nhận thấy 47% cảm thấy họ không được hoan nghênh trong việc kinh doanh ở đây. Con số này cao hơn so với 44% năm ngoái.

Bất chấp cảm nghĩ đó, hơn 70% cho biết các cơ sở kinh doanh của họ ở Trung Quốc vẫn “kiếm lời” hoặc “rất có lời.”

Bị nhắm làm mục tiêu

Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, cuộc điều tra nhắm vào các công ty nước ngoài đã trở nên gần như chuyện thông thường.

Trung Quốc đã mở một cuộc vận động ồ ạt để phá vỡ các độc quyền, cải thiện an toàn thực phẩm và diệt trừ tham nhũng. Năm ngoái, các công ty nước ngoài, trong đó có Microsoft, Qualcaomm, Audi, McDonald’s và nhiều công ty khác nhận thấy họ đã rơi vào tầm dò xét của chính phủ Trung Quốc.

Nhưng chủ tịch AmCham ở Trung Quốc James Zimmerman nói ông không tin rằng chính phủ cố ý nhắm mục tiêu vào các công ty nước ngoài.

Ông Zimmerman giải thích: “Các chiến dịch được cho là nhắm vào các công ty nước ngoài…nằm trong khuôn khổ diễn tiến tự nhiên của việc dự thảo và thực thi các luật lệ.”

AmCham Trung Quốc đại diện cho hơn 1.000 cơ sở kinh doanh Hoa Kỳ và thường họp với các giới chức Hoa Kỳ và Trung Quốc để giải quyết những mối quan ngại của các thành viên. Ông Zimmerman đã làm việc về các vấn đề thương mại và pháp lý có liên quan đến Trung Quốc hơn 20 năm này. Ông nói lý do khiến AmCham Trung Quốc chưa lên tiếng phát biểu nhiều về những mối quan ngại rằng các công ty đang bị nhắm làm mục tiêu là bởi vì nhóm này đã từng là một phần trong nỗ lực xây dựng luật lệ của Trung Quốc từ 35 năm nay.

Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, cuộc điều tra nhắm vào các công ty nước ngoài đã trở nên gần như chuyện thông thường.

Ông Zimmerman nói đã đích thân tham gia vào việc phác thảo Bộ luật Chống Độc quyền của Trung Quốc cách đây gần 2 thập niên, và vì thế ông nói, “chúng tôi biết chính phủ đang trong tiến trình củng cố nền tảng pháp lý đó.”

Ông Zimmerman nói ông vẫn quan ngại về việc các thành viên của Phòng Thương Mại bị kẹt vào tiến trình đang diễn tiến đó của Trung Quốc, nhưng ông nói ông tin rằng không có chiến dịch rộng lớn chống lại các cơ sở kinh doanh nước ngoài ở Trung Quốc.

Ông nói thêm: “Không nhất thiết đó là một chiến dịch có mục tiêu khi ta thấy các giới chức Trung Quốc ngồi kề cà uống trà, hút thuốc và quyết định, “Nào, chúng ta hãy săn lùng các công ty nước ngoài.”

Ông Zimmerman cho rằng điều đang xảy ra hiện nay nằm trong khuôn khổ một tiến trình dài hơn ở Trung Quốc nhằm thực thi các luật lệ mới như luật chống độc quyền, đã có hiệu lực từ năm 2008 và tìm hiểu cách thức thực thi các quy định đó.

Ông cũng nói thêm rằng nhiều trường hợp đã do chính phủ Trung Quốc đưa ra trước.

Ông Zimmerman nói: “Các vụ việc chống lại các công ty nước ngoài thực sự do những tay trong tố giác, chứ không phải vì một điều gì đó mà chính phủ Trung Quốc nghĩ ra. Điều đó đúng với vấn đề an toàn thực phẩm, vụ có liên quan đến công ty ở Thượng Hải thực ra là do các bản tin của giới truyền thông thúc đẩy, chứ không phải chính phủ, không phải qua một chiến dịch mà họ phát động.”

Ông nói những sự việc như thế xảy ra vì nhiều lý do, trong đó có người tiêu thụ và giới truyền thông than phiền và khi xảy ra thì chính phủ cảm thấy cần phải có hành động.

Cảm tưởng không được hoan nghênh

Bối cảnh của môi trường kinh doanh ở Trung Quốc vốn đã khó lường, với sân chơi nghiêng nặng về phía các công ty quốc doanh. Nước này đã chứng kiến những thay đổi to lớn kể từ khi bắt đầu chuyển từ một nền kinh tế chỉ huy qua một nền kinh tế do thị trường thúc đẩy nhiều hơn. Nhưng nhà nước vẫn đóng một vai trò bao trùm trong kinh doanh.

Cửa hàng McDonald và KFC ở Bắc Kinh.

Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách thay đổi điều đó và đã phát động một chiến dịch cải cách ồ ạt để tìm cách mở cửa các thị trường và để cho các công ty nước ngoài được tiếp cận thị trường nhiều hơn. Các nỗ lực đó là tin mừng cho các công ty nước ngoài, nhưng cho dù như thế, gần một nửa các công ty được thăm dò đều nói họ cảm thấy không được hoan nghênh ở Trung Quốc.

Ông Zimmerman nói: “Khó mà xác định các lý do thực sự cho việc ấy. Đó là một vấn đề chủ quan. Và có thể do sự thúc đẩy của giới truyền thông, một vấn đề tác động tới một công ty cụ thể nào đó, hay một công nghiệp riêng lẻ nào đó.”

Cảm giác không được hoan nghênh mấy trong năm nay so với năm trước đó mạnh nhất trong số các công ty thuộc các ngành phát triển và nghiên cứu và các công ty trong khu vực tài nguyên và công nghiệp.

Các công ty thuộc các khu vực đó than phiền về việc bị các cơ quan công lực nhắm làm mục tiêu một cách bất công và về việc phải cạnh tranh với các công ty địa phương được chính phủ tài trợ.

Kiểm duyệt mạng Internet

Cuộc thăm dò cũng nói 83% bày tỏ quan ngại về tác động của việc kiểm duyệt Internet đối với khả năng kinh doanh của họ ở Trung Quốc.

Ông Zimmerman nói các công ty chủ yếu quan ngại về cách thức việc kiểm duyệt tác động đến luồng thông tin, như thông tin liên lạc với những người ngoài nước hay mua các sản phẩm trên mạng.

Theo ông, đó là những điều tác động đến tất cả mọi người.

Cuộc thăm dò cũng nói 83% bày tỏ quan ngại về tác động của việc kiểm duyệt Internet đối với khả năng kinh doanh của họ ở Trung Quốc.

Ông Zimmerman cho biết: “Đó là những thứ tác động đến tôi mà tôi thỉnh thoảng nhận thấy, nhưng dường như ngày càng trở thành vấn đề trong 6 tháng vừa qua khi mà Internet đã chậm lại hoặc bị chặn khi tiếp cận thông tin cơ bản và đã tác động đến những gì tôi có thể làm trong công cuộc kinh doanh của tôi.”

Ông nói thêm rằng kiểm duyệt Internet có tác động tệ hơn với một số doanh nghiệp so với các doanh nghiệp khác, nhưng công nghiệp dịch vụ lệ thuộc nặng vào thông tin nằm trong số các công nghiệp bị tác động nghiêm trọng nhất.

Kéo chậm đà kinh tế

Trong khi tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại và triển vọng nền kinh tế toàn cầu đầy những bất định, một con số ngày càng tăng các công ty nói rằng họ không có kế hoạch gia tăng đầu tư ở Trung Quốc.

Cảm tưởng bị nhắm làm mục tiêu cũng có tác động đối với các kế hoạch đầu tư.

Theo cuộc thăm dò, tỷ lệ các công ty coi Trung Quốc là một trong những điểm đến để đầu tư, chứ không phải là ưu tiên hàng đầu để đầu tư tiếp tục gia tăng.

Cuộc thăm dò nói trong năm 2010, 12% các công ty được hỏi ý kiến nói rằng họ coi Trung Quốc là một trong nhiều điểm đến để đầu tư. Con số đó tăng lên tới 27 phần trăm trong năm nay.

19% nói Trung Quốc đứng đầu danh sách điểm đến để đầu tư.