Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cảnh báo 77 trẻ sơ sinh thiếu sữa mẹ trong những giờ đầu tiên sau khi chào đời sẽ có nguy cơ tử vong cao trong vòng một tháng. Để đánh dấu Tuần lễ cho con bú thế giới (1/8 – 7/8), UNICEF và tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các bà mẹ hãy cho con bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu tiên.
Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc nói trẻ sơ sinh nên được bú sữa mẹ ngay từ những giờ phút đầu tiên của cuộc đời. Việc này giúp cho trẻ có được các dưỡng chất, kháng thể cần thiết. Ngoài ra, sự gần gũi với người mẹ khi được cho bú cũng giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật và tử vong.
UNICEF nói càng chậm trễ cho con bú sau khi sinh, trẻ càng có nguy cơ tử vong cao trong tháng đầu đời. Cơ quan này cảnh báo việc chậm trễ cho con bú sau 24 tiếng sau khi sinh sẽ làm tăng đến 80% nguy cơ này. Cơ quan của Liên Hiệp Quốc cũng cho biết sẽ có hơn 800.000 trẻ được cứu sống nếu tất cả trẻ em đều được cho bú sữa mẹ mà không thêm gì khác ngay từ giây phút đầu đời cho đến khi được 6 tháng.
Your browser doesn’t support HTML5
Điều đáng tiếc, theo tổ chức Y tế Thế giới, là thông điệp này được thực hiện một cách chậm chạp trên toàn thế giới. Phát ngôn viên của WHO, bà Fadela Chaib, cho biết những bà mẹ mới sinh không được hỗ trợ và khuyến khích cho con bú.
Bà Chaib cho biết: “Khẩu hiệu năm nay là cho con bú mọi nơi, mọi lúc bởi vì như tôi nói, đây cũng là vai trò của xã hội phải tạo điều kiện cho các bà mẹ muốn cho con bú. Thực vậy, đây đúng là một vấn đề cũ. Chúng ta phải luôn cổ vũ việc cho con bú nhiều hơn vì những lợi ích của việc bú sữa mẹ. Đây thực sự là nguồn thực phẩm lý tưởng cho trẻ sơ sinh”.
Tại Việt Nam, một nghiên cứu độc lập của Bộ Y tế vừa công bố hôm 5/7 cho biết tỷ lệ bà mẹ Việt Nam nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu chỉ đạt 19,6%, khiến Việt Nam bị rơi vào nhóm có tỷ lệ cho con bú sữa mẹ thấp nhất thế giới, thấp hơn cả Lào và Campuchia.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho phụ nữ Việt Nam hiện nay ngại cho con bú, bao gồm cả việc giữ gìn hình thể, chạy theo nhịp sống lẫn những quan niệm sai lầm, theo chị Như Thảo, một nhân viên truyền thông sinh sống tại Sài Gòn.
Chị Thảo cho biết: “Rất nhiều phụ nữ trẻ cảm thấy việc cho con bú là phiền phức. Bú sữa bình thì dễ dàng hơn. Thứ hai, theo những lời truyền miệng với nhau, bú sữa bình, sữa ngoài sẽ có nhiều chất hơn sữa mẹ, dễ tăng cân hơn. Với lại tỷ lệ phụ nữ sửa ngực [hiện đang ngày càng tăng] cũng có ảnh hưởng ít nhiều. Những phụ nữ sửa ngực, nâng ngực, đặt túi ngực thì họ không cho con bú nữa”.
Bà Chaib của tổ chức Y tế Thế giới cho biết việc bú sữa mẹ sẽ giúp trẻ chống lại rất nhiều căn bệnh phổ biến. Trẻ được bú sữa mẹ cũng đạt kết quả cao hơn trong những bài trắc nghiệm trí thông minh, ít bị béo phì và ít có nguy cơ bị tiểu đường sau này.
Nhưng nhiều bà mẹ Việt Nam lại quan niệm nuôi con tốt là phải làm cho con bụ bẫm, béo tròn, nên nhiều người ít quan tâm đến những nguy cơ trên và thích cho con dùng sữa bột hơn là bú sữa mẹ.
Chị Thảo nói: “Quan niệm của người Việt là trẻ con cứ phải mập cái đã. Một đứa trẻ muốn béo lên thì phải tống cho nó ăn thật nhiều cho mập lên cái đã, còn chuyện nguy cơ béo phì hay thừa chất trong tương lai thì Thảo thấy là mọi người đa số bỏ qua”.
Bà Chaib nói với VOA rằng những chiêu thức quảng cáo sữa bột không phù hợp tiếp tục là nguyên nhân khiến cho các bà mẹ không chịu cố gắng cho con bú.
Bà Chaib nói: “Chúng ta không chống lại việc họ sản xuất sữa. Điều mà chúng ta chống ở đây là thực tế mà họ quảng bá chúng như thể chúng có giá trị tương đương với sữa mẹ vậy. Đây là điều dối trá. Chúng không thể tương đương được”.
Ảnh hưởng của quảng cáo sai lệch cũng là nguyên nhân chính khiến các bà mẹ ở Việt Nam ít cho con bú. Khảo sát do Bộ Y tế Việt Nam đưa ra cho biết có đến 80% phụ nữ được hỏi nói họ thường xuyên nhận được các mẫu sản phẩm thay thế sữa mẹ miễn phí trong thời gian mang thai hoặc ngay sau khi sinh con. Ngoài ra, những phụ nữ này cũng cho biết có khoảng 76% nhân viên y tế tại Việt Nam đã gợi ý cho họ sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ.
Nghiên cứu do Bộ Y tế Việt Nam công bố cũng cho biết rất nhiều công ty sữa ở Việt Nam vì lợi nhuận đã tìm cách lách luật để quảng cáo về những ưu việt của các sản phẩm thay thế sữa mẹ, khiến nhiều bà mẹ ngộ nhận rằng cho con sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ sẽ giúp con lớn nhanh và thông minh hơn. 34% nhân viên y tế được khảo sát tại Việt Nam cũng cho biết đại diện các công ty sữa đã đến tận cơ sở y tế của họ để thu thập thông tin của các thai phụ và cung cấp tài liệu quảng cáo. Ngay sau khi thai phụ vừa sinh con ra là các công ty sữa gọi điện thoại đến để tư vấn dùng các loại sản phẩm thay thế sữa mẹ.
Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc nói nỗ lực thúc đẩy việc cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ ngay sau khi chào đời trên toàn cầu đã diễn tiến chậm chạp trong 15 năm qua. Các khảo sát cho biết ở vùng cận Sahara của châu Phi, nơi tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong cao nhất thế giới, tỷ lệ cho con bú ngay khi chào đời vẫn không thay đổi. Còn tại Việt Nam, nhiều chuyên gia Y tế lo ngại rằng nếu không có biện pháp hiệu quả trong việc khuyến khích phụ nữ cho con bú và ngăn chặn các sai phạm trong quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em, thì sẽ rất khó đạt được mục tiêu toàn cầu của Hội đồng Y tế Thế giới là mỗi quốc gia phải có ít nhất 50% trẻ sơ sinh được cho bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng vào năm 2025.