Mỹ và Việt Nam sẽ ‘cùng khai thác dầu khí bất chấp Trung Quốc’?

Logo Exxon Mobile trên thị trường chứng khoán New York, 2015.

Không phải quan chức kinh tế, mà lại chính là một viên chức an ninh lần đầu tiên nói bóng gió về khả năng Mỹ và Việt Nam sẽ ‘cùng khai thác dầu khí’.

Hé lộ trên được nêu bởi John Bolton - Cố vấn An ninh Mỹ - trong cuộc phỏng vấn của chương trình Hugh Hewitt có tiếng của Mỹ vào ngày 11/10/2018. Một lần nữa John Bolton đã nêu ra những phát ngôn cứng rắn đối với Trung Quốc liên quan đến một Biển Đông đang lộ dần nguy cơ xung đột quân sự Mỹ - Trung.

Mỹ hợp tác với Việt Nam và bất chấp Trung Quốc?

“Mỹ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không” - John Bolton nói, tuy không đề cập cụ thể Mỹ sẽ hợp tác khai thác với nước nào trong số các quốc gia đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan.

Phát ngôn thách thức rất đáng chú ý trên của Cố vấn An ninh John Bolton xuất hiện chỉ một ngày sau khi Thượng Viện Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật cắt đứt đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông, và cùng lúc với thông tin chính thức về chuyến thăm Việt Nam bất ngờ vào trung tuần tháng Mười năm 2018 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis.

Liệu có những gì logic giữa những sự kiện trên, hay cụ thể là giữa phát ngôn của John Bolton và hành động của Jim Mattis?

Chuyến công du Việt Nam của Jim Mattis cũng là lần thứ hai liên tiếp trong vòng 10 tháng kể từ khi Jim Mattis nhận lãnh chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - một mật độ ‘thăm viếng’ khá dày đặc đối với quốc gia cách Mỹ đến nửa vòng trái đất và khiến giới quan sát chính trị quốc tế phải chú ý bởi tính chất bất thường của nó.

Nhiều giả thiết đã xuất hiện liên quan đến chuyến đi Việt Nam của Jim Mattis: tăng cường sự hiện diện của các hạm đội Mỹ ở khu vực Biển Đông, bảo đảm an ninh hàng hải cho các thương thuyền của Mỹ và các nước phương Tây tại Biển Đông, bán vũ khí cho Việt Nam, có thể đạt một thỏa thuận nào đó với Việt Nam về ‘thuê quân cảng Cam Ranh’, và ‘cùng hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam’.

Trong khi các đợt tuần tra bằng tàu chiến và máy bay của Mỹ vẫn đều đặn gia tăng tại Biển Đông và thậm chí tàu chiến Mỹ còn áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa - nơi đang ngự trị bởi quân đội Trung Quốc, hai vấn đề khác là Cam Ranh và bán vũ khí cho Việt Nam vẫn chưa có gì rõ ràng, hay nói cách khác là trong lúc chưa có thông tin cụ thể nào về Cam Ranh thì cho tới nay, sau hơn hai năm kể từ khi Tổng thống Obama dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Bộ Quốc phòng Việt Nam chỉ mới đặt mua một lô vũ khí giá trị khoảng 100 triệu USD từ Mỹ - chỉ bằng 1/10 giá trị các lô hàng vũ khí mà Việt Nam công bố đã mua của Nga.

Còn về dầu khí, cho tới nay không có biểu hiện rõ ràng về việc Mỹ đã hoặc sẽ hợp tác với những quốc gia như Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan để khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Nhưng hợp đồng cùng khai thác dầu giữa Tập đoàn dầu khí lớn nhất của Mỹ là ExxonMobil với PetroVietnam thì đã nằm trên các bàn giấy hai bên và được công bố cho toàn thế giới biết. Đó là mỏ dầu khí Cá voi Xanh.

Vì sao ExxonMobil không sợ Trung Quốc?

Sau khi công ty Repsol của Tây Ban Nha bỏ chạy khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, còn Rosneft của Nga dù chưa thoái lui nhưng cũng chẳng thể nhúc nhích - đều trong cơn cám cảnh bởi nạn ‘khủng bố Trung Quốc’, Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ hiện là niềm an ủi duy nhất cho chính thể Việt Nam thuộc loại văn dốt võ dát và một ngân sách Việt Nam đang sắp lao xuống vực thẳm.

ExxonMobil từng thăm dò và hợp tác với Việt Nam để khai thác mỏ khí đốt Cá Voi Xanh ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi. Mỏ này có trữ lượng đến 150 tỷ mét khối.

Vào tháng Giêng năm 2017, ExxonMobil đã trở thành nhà khai thác khí đốt lớn nhất của Việt Nam sau khi ký kết một hợp đồng trị giá 10 tỷ đô la để khai thác dầu khí trên biển Đông với PetroVietnam.

Vài tháng trước Hội nghị APEC 2017, ExxonMobil còn được Hà Nội bật đèn xanh cho việc thông báo chính thức khởi động dự án đầu tư khai thác khí đốt tại mỏ Cá Voi Xanh. Khi đó, báo chí nhà nước đã hoan hỉ như thể “sống lại” sau vụ Bãi Tư Chính tháng Bảy năm 2017 - khi Repsol, một công ty Tây Ban Nha liên doanh với PetroVietnam để khai thác dầu khí tại khu vực này, đã bị vài trăm tàu Trung Quốc bao vây và gây sức ép đến nỗi cuối cùng Repsol phải lặng lẽ rút lui khỏi Bãi Tư Chính, trong lúc toàn thể Bộ Chính trị lẫn Bộ Quốc phòng Việt Nam ngậm tăm lẫn ngậm đắng nuốt cay vì “có tiền trong túi mà không lấy được”.

Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố “đường Lưỡi Bò” 9 đoạn chiếm tới 90% diện tích Biển Đông, nhiều hãng dầu khí khác của Mỹ đã bỏ cuộc trước áp lực từ Trung Quốc. Nhưng ExxonMobil vẫn tiếp tục thăm dò và tập đoàn này đã phát hiện mỏ khí đốt lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay, nằm cách đất liền khoảng 100km.

Điều được giới chóp bu Việt Nam xem là ‘lợi thế lớn’ là mỏ Cá Voi Xanh hoàn toàn nằm ngoài bản vẽ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, do đó giới chóp bu Việt Nam không phải quá lo sợ về phản ứng của Bắc Kinh nếu PetroVietnam liên doanh với Mỹ để khai thác khí đốt tại đây.

Trong bối cảnh ngân sách Việt Nam đang nhanh chóng cạn kiệt và đặc biệt đang quá thiếu ngoại tệ để trang trải nợ quốc tế – lên tới 10 - 12 tỷ USD/năm – và để phục vụ cho nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các nước, đồng thời phải bảo đảm dự trữ ngoại hối, 20 tỷ USD dự kiến khai thác được từ Cá Voi Xanh - được xem là dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam - là con số rất đáng để giới lãnh đạo Việt Nam tỏ một chút can đảm trước “đồng chí tốt” Trung Quốc.

Nhưng vào ngày 7/11/2017 - trùng với thời gian Tổng thống Trump dự Hội nghị thượng đỉnh kinh tế APEC Đà Nẵng mà được báo chí đảng tung hô “thành công tốt đẹp” và “Việt Nam là nước hưởng lợi kinh tế lớn nhất trong APEC”, ExxonMobil đã mang lại nỗi thất vọng lớn lao cho giới chóp bu Việt Nam: Chủ tịch Liam Mallon của Công ty Phát triển ExxonMobil đã tuyên bố sẽ hoãn dự án hợp tác với Việt Nam trên biển Đông tới năm 2019, với lời giải thích rất cô đọng: “chúng tôi cần phải đạt được một số thỏa thuận cụ thể” trước khi triển khai đầu tư chính thức.

Khi đó, một số đánh giá đã giả thiết về nguyên nhân chủ yếu và có thể là duy nhất của việc phải hoãn dự án có thể là Trung Quốc gây sức ép mà đã khiến Việt Nam có thể phải điều đình để ExxonMobil tạm ngừng khai thác mỏ Cá Voi Xanh.

Đến tháng Ba năm 2018 khi xảy ra vụ Repsol phải lần thứ hai liên tiếp rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, giả thiết đã biến thành thực tế được xác nghiệm một cách sống sượng: vẫn là “đối tác chiến lược toàn diện lớn nhất của Việt Nam” là Trung Quốc đã nhảy bổ vào nhà của giới chóp bu Việt Nam để đòi không được hợp tác với Mỹ mà phải hợp tác với Trung Quốc để khai thác dầu khí.

Vào tháng Tư năm 2018, lần đầu tiên ExxonMobil đã lên tiếng liên quan đến mỏ Cá Voi Xanh. Tuy không xác nhận về một sức ép của Trung Quốc đối với mỏ dầu khí dồi dào trữ lượng này, ExxonMobil vẫn khẳng định kế hoạch và lộ trình sắp tới - một biểu hiện cho thấy tập đoàn này không mấy lo ngại cho dù Bắc Kinh sẽ làm những động tác nhằm bắt buộc ExxonMobil phải rút khỏi mỏ Cá Voi Xanh như đã khiến Repsol phải rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ.

Trước đó, tập đoàn Mỹ này từng khẳng định rằng dự án này “không nằm ở vùng có tranh chấp”, và rằng “chủ quyền là vấn đề chỉ các chính phủ mới có thể quyết định”.

Rất có thể, sự tự tin của ExxonMobil khi lên tiếng về mỏ Cá Voi Xanh phát xuất tự sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ cập cảng Đà Nẵng vào đầu tháng Ba năm 2018, nằm trong chiến lược tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại Biển Đông và sẵn sàng đối đầu với hải quân Trung Quốc.

Cái áo mới

Không thể khác hơn và thật ra cũng chẳng còn lựa chọn nào khác, hy vọng mỏng manh còn lại của Việt Nam chỉ còn là Mỹ - đối trọng quân sự duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông. Để Việt Nam có thể ‘can đảm bám Mỹ’, ít nhất cho tới lúc nào mục tiêu khai thác dầu khí để bồi hoàn cho một nền ngân sách rỗng ruột của Việt Nam vẫn còn bị Trung Quốc thẳng tay cấm đoán.

Còn bây giờ đang là những tín hiệu từ Mỹ, chứ không phải Việt Nam.

Hãy kiên nhẫn chờ thêm, và có lẽ không lâu nữa. Nếu trong và sau chuyến công du Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis xuất hiện tin tức về ‘Mỹ cùng hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông’ và cái tên Tập đoàn ExxonMobil của Mỹ lại hiện ra một cách sôi nổi lẫn ấn tượng, có thể hình dung rằng cuối cùng thì giới chóp bu Việt Nam cũng phải quyết định bớt thói đu dây tay ba ngả ngớn mà rất dễ té lộn nhào, để chuyển sang tư thế nghiêng ngả về phía Hoa Kỳ với một góc nhỏ nào đó trên hai trục hình học địa - chính trị quốc tế.

Một cách nào đó, cái áo mới của Bộ Chính trị Việt Nam vừa khoác vào có vẻ giống như một lời tuyên chiến không dám ra mặt với Bắc Kinh và sẽ khiến Tập Cận Bình lộn ruột.