Kết quả xét nghiệm một bệnh nhân bị nghi nhiễm Ebola từ Tây Phi nhập cảnh Việt Nam hôm 1/11 được xác định âm tính đối với virus chết người này.
Bệnh nhân Chu Văn Chung, 26 tuổi, hồi hương sau 2 năm làm việc tại Guinea được đưa vào Bệnh viện Đa Khoa Hoàn Mỹ Đà Nẵng với các triệu chứng sốt cao sau 5 ngày về nước.
Bác sĩ Phạm Nguyễn Cẩm Thạch, Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, cho VOA Việt ngữ biết cùng ngày anh Chung được bệnh viện chuyển sang Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng để cách ly, điều trị theo đúng quy định của Sở Y tế tỉnh.
Tối 3/11, bác sĩ Thạch xác nhận các kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân này không bị nhiễm Ebola, nhưng bị sốt rét:
“Nghi nhiễm chúng tôi chuyển đi liền, chuyển qua bệnh viện tỉnh. Bây giờ bệnh viện tỉnh đang điều trị sốt rét cho bệnh nhân. Anh ta dương tính với sốt rét, còn Ebola thì âm tính, theo kết quả xét nghiệm của Bộ Y tế. Kết quả khẳng định 100% là âm tính với Ebola. Bây giờ đang được điều trị sốt rét thôi.”
Bác sĩ Thạch cho biết dù được xác định âm tính với Ebola nhưng anh Chung vẫn phải tiếp tục trải qua 21 ngày cách ly theo dõi y khoa tại bệnh viện tỉnh để đảm bảo hoàn toàn không còn dấu hiệu nào khác liên quan đến Ebola:
“Cần tiếp tục theo dõi, khi có yếu tố dịch tễ, mang tính dự phòng, theo quy định của Bộ Y tế.”
Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cho biết thêm các bệnh viện khi tiếp nhận bệnh nhân nghi nhiễm Ebola phải chuyển tới một bệnh viện được chỉ định ở địa phương có phương tiện tốt nhất ứng phó với Ebola thay vì trực tiếp điều trị.
Bác sĩ Phạm Nguyễn Cẩm Thạch:
“Bộ Y tế, Sở Y tế có trách nhiệm triển khai các phương tiện chẩn đoán và huy động nhân lực. Có trường hợp sốt nghi ngờ có yếu tố dịch tễ, phải phát hiện sớm chuyển đi một nơi nào đó cấp tỉnh, tức là mỗi địa phương chọn một địa điểm cách ly tốt, an toàn. Theo quy định, một tỉnh có một cơ sở an toàn nhất, thiết bị đầy đủ nhất, nhân lực tốt nhất để điều trị Ebola. Khi có nghi ngờ phải chuyển tới nơi đó hết.”
Truyền thông trong nước nói bệnh nhân Chu Văn Chung hiện đang hồi phục sức khỏe và tiếp tục được điều trị chứng sốt rét.
Tin cho hay anh Chung khởi hành từ Guinea, đi qua Ma Rốc và Qatar trước khi đáp máy bay xuống phi trường Tân Sơn Nhất.
Bệnh nhân này nói các các cửa khẩu ở Guinea, Ma Rốc, và Qatar kiểm tra rất kỹ nhưng khi về tới Tân Sơn Nhất, anh chỉ bị kiểm tra thân nhiệt và điền tờ khai y tế.
VNExpress dẫn lời Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, Ngô Thị Kim Yến, nói rằng anh Chung về Đà Nẵng qua ga nội địa nên không được kiểm tra thân nhiệt. Đà Nẵng hiện có 2 máy đo thân nhiệt ở ga quốc tế.
Các bác sĩ bệnh viện Hoàn Mỹ cho biết thoạt đầu khi nhập viện, bệnh nhân đã không khai báo là mới nhập cảnh từ Guinea.
Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng nói với báo Tuổi Trẻ rằng Sở đã yêu cầu giới hữu trách giám sát y tế những người đã có tiếp xúc với anh Chung, kể cả các y-bác sĩ điều trị cho anh và những hành khách đi cùng chuyến bay với anh từ nước ngoài tới Tân Sơn Nhất và từ Tân Sơn Nhất đi Đà Nẵng.
Đây là trường hợp bị nghi nhiễm Ebola thứ nhì tại Việt Nam sau ca đầu tiên hồi tháng 8. Cho tới nay, Việt Nam chưa có báo cáo ca nhiễm Ebola nào.
Your browser doesn’t support HTML5
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, tính tới ngày 31/10 có tổng cộng 13.567 ca Ebola được ghi nhận tại 8 quốc gia kể từ khi dịch bệnh bùng phát. 4951 trường hợp đã tử vong.
Liberia hiện dẫn đầu danh sách các nước có nhiều người thiệt mạng nhất vì Ebola, với 2.423 ca. Sierra Leone đứng thứ nhì, với 1.510 người chết. Guinea báo cáo 1.018 người tử vong.
Nigeria có 8 người chết. Hoa Kỳ và Mali, mỗi nước ghi nhận 1 trường hợp thiệt mạng vì Ebola.
Trong số các nước bị ảnh hưởng còn có Senegal và Tây Ban Nha dù chưa có báo cáo ca tử vong nào.