Các giới chức y tế Hoa Kỳ đang chật vật đáp ứng với một ca bệnh Ebola mới – đó là người nữ y tá ở Dallas, Texas đã chăm sóc cho bệnh nhân Ebola Thomas Eric Duncan vừa qua đời tuần trước. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Michael Bowman, cộng đồng y tế của Mỹ đang duyệt lại và siết chặt các thủ tục để phát hiện và khống chế virut, vào lúc các giới chức trên khắp thế giới bày tỏ sự kinh động ngày càng tăng về chứng bệnh gây chết người này.
Nhân viên làm việc với các chất liệu nguy hiểm đã tẩy uế căn hộ của người nữ y tá Dallas, nghe nói khoảng trên 20 tuổi, được thử nghiệm dương tính Ebola. Các láng giềng của cô rất lo sợ.
Một người nói sống ở Dallas là rất sợ hãi.
Trang bị bảo hộ toàn diện và các thủ tục bệnh viện gay gắt nhằm ngăn chặn việc lây truyền virut dường như đã thất bại, khơi ra nhiều câu hỏi mà có rất ít câu trả lời. Giám độc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Thomas Frieden không loại trừ khả năng phát hiện thêm nhiều ca bệnh nữa.
Ông nói: “Rõ ràng có một sự vi phạm các thủ tục. Qua nhiều năm kinh nghiệm, chúng ta biết rằng có thể chăm sóc bệnh nhân bị Ebola một cách an toàn mà không gây rủi ro cho nhân viên chăm sóc y tế. Nhưng chúng ta cụng biết rằng điều đó rất khó, rằng chỉ một sự lơi là vi phạm là có thể đưa đến tình trạng lây nhiễm.”
Trong lúc trách nhiệm chưa biết quy cho ai, có lời khiếu nại của một hiệp hội y tá Mỹ. Bà Katy Roemer nói các y tá không được cung cấp thông tin rằng họ cần phải bảo vệ chính mình.
Bà Roemer nói: “Khi các y tá bị nhiễm bệnh, thì họ bị đổ lỗi cho là không theo đúng thủ tục. Làm như thế này sẽ không có hiệu quả.”
Các phi trường lớn của Hoa Kỳ đã tăng cường các thủ tục kiểm tra hành khách từ châu Phi đến. Theo dân biểu Cộng Hoà Michael McCaul thì điều đó có thể là chưa đủ. Ông McCaul không loại trừ khả năng nên tạm thời đình chỉ cấp thị thực Hoa Kỳ cho nhiều nơi ỡ châu Phi.
Ông McCaul nói: “Người Mỹ quan ngại là đúng. Họ quan ngại bởi vì virut Ebola là một mối đe doạ vô hình. Và chỉ cách biên giới chúng ta có một chuyến bay.”
Những mối lo ngại vượt ra ngoài cả biên giới các nước đã ghi nhận các ca bệnh Ebola. Thủ tướng Israel Benjanin Netanyahu nói:
“Đây là một cơn dịch toàn cầu. Chúng ta đang hợp tác với các nước khác, ngoài việc bảo vệ biên giới chúng ta.
Nhưng sự hoảng sợ là không đúng và không có lợi ích gì cả, theo bác sĩ Ian Smith của Tổ chức Y tế Thế giới.
Bác sĩ Smith nói: “Lo sợ nhiễm bệnh đã lan truyền khắp thế giới nhanh hơn cả virut.”
Giữa mối lo lắng ngày càng tăng, có một vài tin có thể là vui: các giới chức y tế Nga cho biết họ đã khai triển được cá loại thuốc chủng ngừa Ebola sẵn sàng để thử nghiệm.