Chính quyền Việt Nam mới đây làm áp lực để người dân phải chích các mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 bằng cách buộc những ai không chích phải ký giấy cam kết chịu trách nhiệm nếu có hậu quả về sau, báo chí trong nước loan tin.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ chích ngừa COVID-19 mũi thứ ba và thứ tư hiện diễn ra rất chậm chạp do tâm lý dè dặt, thờ ơ của người dân trong lúc chính quyền còn tồn đọng một lượng lớn vaccine sắp hết hạn sử dụng.
Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về tiến độ tiêm vaccine do Bộ Y tế tổ chức hôm 24/6, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã chỉ đạo rằng “địa phương nào không tiêm, người dân nào không tiêm để xảy ra dịch phải chịu trách nhiệm” và “người dân nào không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết”, theo báo Nhân Dân.
Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác đã thực hiện chỉ thị này của Bộ Y tế khi bắt người dân ký cam kết và báo cáo số lượng những ai không tiêm cho Bộ Y tế, cũng theo báo Nhân Dân. Động thái này đã hứng chịu nhiều chỉ trích từ phía người dân.
“Việc ký cam kết (nếu không tiêm vaccine) nêu rõ trách nhiệm giữa các bên là cần thiết, đặc biệt là giữa chính quyền và người dân để rõ hơn các hoạt động của mình”, Giáo sư-Tiến sỹ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, được tờ Lao Động dẫn lời nói.
Ngoài ra, việc ký cam kết này cũng là để “người dân hiểu rõ hơn về các biến thể mới và hiệu quả của vaccine trong việc ứng phó với biến thể mới” vì người dân phải cân nhắc trước khi đặt bút ký vào giấy cam kết, cũng theo lời ông Lân.
Tuy nhiên, một bài báo hôm 27/6 của báo Thanh Niên dẫn lời một chuyên gia dự phòng của chính Bộ Y tế nói rằng việc “yêu cầu người dân ký cam kết là không đúng; hiện không có văn bản nào quy định như vậy”.
Thanh Niên không nếu đầy đủ danh tính của vị chuyên gia, chỉ cho biết rằng vị này nói như vậy bên lề cuộc họp báo vào chiều 27/6, tại đó, ông Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho hay Việt Nam đã ghi nhận biến thể mới.
Theo Giáo sư Lân, tại Việt Nam hiện lưu hành biến chủng BA.2, virus gây biểu hiện bệnh nhẹ và cơ bản là do Việt Nam có được tỷ lệ tiêm chủng đạt cao.
Tường thuật về hội nghị hôm 24/6, báo Nhân Dân dẫn lời Phó Giáo sư-Tiến sỹ Dương Thị Hồng – phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương – cho biết trong thời gian tới chiến dịch tiêm chủng của Việt Nam sẽ tập trung tiêm các mũi thứ ba và thứ tư cho người dân.
“Với COVID-19, mũi tiêm cơ bản cũng như mắc Covid-19 miễn dịch tạo ra không bền vững như các bệnh truyền nhiễm khác như sởi, rubella.... Vì thế, tiêm nhắc lại bảo đảm tăng cường nồng độ kháng thể. Những người đã mắc COVID-19 sau 3-4 tháng cần tiêm nhắc lại để có miễn dịch bền vững”, bà Hồng được dẫn lời nói trong nỗ lực kêu gọi người dân đi tiêm.
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương được báo Nhân Dân dẫn lại, Việt Nam có những lô vaccine sắp hết hạn vào ngày 30/6 và mặc dù đã được triển khai chích từ giữa tháng 5 nhưng đến nay vẫn chưa chích hết.
Theo tìm hiểu của VOA, người dân trong nước hiện nay không muốn chích vaccine tăng cường vì phần lớn đã nhiễm COVID-19 nên họ tin là trong người đã có kháng thể. Họ cũng cho rằng dịch đã thuyên giảm nên không cần phải sốt sắng đi chích ngừa như trước trong khi cũng có rất nhiều người sợ hiệu ứng phụ, chẳng hạn “chích ngừa nhiều quá sẽ dẫn đến giảm trí nhớ”.
Tuy nhiên, nhà chức trách Việt Nam đã nhiều lần khẳng định rằng những điều này “không có cơ sở”.
Theo thông tin do Bộ Y tế đưa ra tại Hội nghị với các địa phương về tiến độ tiêm vaccine, mặc dù Việt Nam đã tiêm mũi thứ nhất và thứ hai được gần 100%, tỷ lệ tiêm mũi thứ ba mới đạt 64,7% trong khi số mũi tiêm thứ tư mới chỉ được 2,5 triệu. Tình hình tiêm chủng hiện nay “đang có xu hướng chậm” ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, theo cơ quan này.
Bộ Y tế cho biết hiện nhiều địa phương “đang tồn đọng số lượng lớn vaccine sắp hết hạn có nguy cơ phải hủy bỏ”.
Đại diện Sở Y tế Đồng Nai, Tây Ninh được dẫn lời nói tại cuộc họp này cho biết mặc dù họ đã rất cố gắng đi tuyên truyền, vận động người dân nhưng vẫn không ăn thua, theo cổng thông tin của Bộ Y tế. Họ đưa ra dẫn chứng: “Có nhà máy ở Đồng Nai có đến hơn 30.000 người lao động, nhưng qua vận động, tổ chức 5-6 bàn tiêm trực tiếp tại nhà máy cũng chỉ có 480 người đến tiêm mũi thứ ba”.