Bắc Kinh hôm 7/1 tuyên bố sẽ chào đón các quan chức Liên Hiệp Quốc đến khu tự trị Tân Cương ở miền Tây với điều kiện phải tuân thủ quy trình đàng hoàng giữa lúc cộng đồng quốc tế quan ngại về các chính sách bài trừ cực đoan ở Tân Cương.
Tại cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng được hỏi về thông tin cho rằng Trung Quốc đã mời các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đến Tân Cương. Ông nói tất cả các bên, kể cả Liên Hiệp Quốc, đều được hoan nghênh miễn là phải tôn trọng các thủ tục và quy định của nước sở tại.
Các quan chức Liên Hiệp Quốc nên tránh ‘can thiệp vào công việc nội bộ’ và có thái độ khách quan, trung lập, ông Lục nói thêm.
Quan chức nhân quyền hàng đầu của Liên Hiệp Quốc, bà Michelle Bachelet, hồi tháng 12 năm ngoái cho biết cơ quan của bà tìm cách vào Tân Cương để kiểm chứng những thông tin ‘đáng ngại’ về những trại cải huấn dành cho người Hồi giáo thiểu số bao gồm người Duy Ngô Nhĩ.
Hồi tháng Tám, một ủy ban về nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết nhận được những thông tin đáng tin cậy về việc có trên một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các sắc dân thiểu số khác ở Tân Cương đang bị cầm giữ trong một ‘trại tù khổng lồ’.
Trong một động thái hiếm hoi, một nhóm 15 đại sứ phương Tây ở Trung Quốc do Canada dẫn đầu, đã tìm cách gặp gỡ quan chức cao nhất trong khu vực là bí thư khu tự trị Tân Cương Trần Toàn Quốc để được giải thích về những cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Bắc Kinh đã phát động chiến dịch truyền thông ngày càng quyết liệt để biện hộ cho hành động của họ ở Tân Cương trước sự lên án của các nhà hoạt động nhân quyền, các học giả, các chính phủ nước ngoài và các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Trong hai tuần qua, chính phủ Trung Quốc đã sắp xếp cho các nhà ngoại giao từ 12 nước (không bao gồm các nước phương Tây) đến thăm khu vực này bên cạnh tổ chức những chuyến đi cho những nhóm nhỏ phóng viên đến ba cơ sở cải huấn mà họ gọi là trung tâm giáo dục hướng nghiệp.
Tại những trung tâm này, các sinh viên Duy Ngô Nhĩ đã học về những nguy cơ của suy nghĩ cực đoan bằng tiếng Quan thoại và múa hát cho các phóng viên xem.
Các quan chức Tân Cương nói với các phóng viên rằng chương trình bài trừ cực đoan của họ ‘rất thành công’ nhưng trong tương lai số người bị đưa vào các trung tâm này sẽ giảm đi.