Ba toà soạn báo của Mỹ hôm 24/3 kêu gọi Trung Quốc thay đổi quyết định trục xuất khoảng một chục nhà báo Mỹ, nói rằng hành động này “khinh suất và gây thiệt hại đặc biệt” vào thời điểm thế giới đang chia sẻ gánh nặng chống virus corona, theo Reuters.
Hôm 18/3, Trung Quốc tuyên bố thu hồi thẻ báo chí của tất cả các nhà báo Mỹ làm việc tại Trung Quốc của báo New York Times, Wall Street Journal và Washington Post. Các thẻ báo chí này sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
“Chúng tôi rất mong chính phủ Trung Quốc thay đổi quyết định trong việc ép buộc những người Mỹ làm việc cho các phòng tin của chúng tôi phải rời đi”, các toà soạn nói.
“Hơn bất kỳ sự kiện tin tức lớn nào trong lịch sử hiện đại, thời điểm này đặc biệt quan trọng và cấp bách của cả tin tức điều tra, tính chính xác và trực tiếp từ các tâm dịch lẫn việc chia sẻ thông tin”.
Chưa đọc lá thư nhưng phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tại cuộc họp báo thường nhật hôm 24/3 lên tiếng bảo vệ quyết định trục xuất, gọi đây là “những biện pháp đối phó cần thiết”, đơn thuần là một phản ứng đối với “sự áp bức phi lý” đối với truyền thông Trung Quốc tại Hoa Kỳ.
Quyết định trục xuất là bước leo thang mới nhất trong một cuộc tranh cãi về vấn đề quyền truy cập và tự do truyền thông. Trước đó, Washington đã ra lệnh cho bốn cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc giảm tổng số nhân viên của họ ở Hoa Kỳ xuống còn 100 từ 160 người.
Các nhà báo Mỹ của ba tờ báo được cho thời hạn đến thứ Sáu để trả lại thẻ báo chí và tạm dừng tường thuật, nhưng họ vẫn có thể ở lại Trung Quốc thêm một thời gian ngắn.
Một trong số các nhà báo nói rằng họ đã được thông báo có thể nộp đơn xin thị thực tạm thời ở lại Trung Quốc từ 7-10 ngày.
Trung Quốc và Hoa Kỳ đang trong tình trạng đối đầu căng thẳng, kéo dài khi dịch virus corona bùng phát.
Tháng trước, Washington yêu cầu các nhà báo của truyền thông nhà nước Trung Quốc phải đăng ký trong tư cách nhân viên của cơ quan ngoại giao. Trung Quốc sau đó đã trục xuất ba phóng viên của Wall Street Journal, trong đó có hai người Mỹ và một người Úc, sau khi bài báo đăng bài viết gọi Trung Quốc là “kẻ bệnh hoạn thực sự của châu Á”.
Washington viện dẫn “cuộc đàn áp sâu rộng” đối với truyền thông độc lập tại Trung Quốc là lý do dẫn đến quyết định giảm số lượng nhà báo của truyền thông nhà nước Trung Quốc tại Mỹ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói các biện pháp của họ là “cần thiết” và “tương xứng” nhằm chống lại “sự phân biệt đối xử và áp bức leo thang đối với truyền thông Trung Quốc”.
Một báo cáo gần đây của Câu lạc bộ Phóng viên nước ngoài tại Trung Quốc cho thấy 82% các nhà báo nước ngoài được khảo sát cho biết họ đã trải qua sự can thiệp, quấy rối hoặc bạo lực trong lúc đưa tin vào năm 2019.