Miến Điện: Bà Aung San Suu Kyi có thể ra tranh cử

Lãnh tụ Aung San Suu Kyi nói chuyện với các thành viên của Liên Minh Toàn Quốc Đấu Tranh Cho Dân Chủ (NLD) tại trụ sở của họ ở Yangon, 18/11/2011

Đảng đối lập Miến Điện, Liên Minh Toàn Quốc Đấu Tranh Cho Dân Chủ, hay NLD, vừa loan báo sẽ trở lại chính trường trong các cuộc bầu cử sắp tới tiếp theo những cải tổ của chính phủ. Bà Aung San Suu Kyi có thể sẽ tranh cử sau hơn 20 năm bị chính quyền gạt sang một bên.

Hôm thứ Sáu, đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi loan báo sẽ đăng ký trở lại để tranh cử trong cuộc bầu cử bổ xung sắp tới.

Quyết định đã được Ban chấp hành đảng này nhất trí đưa ra, đáp ứng với những thay đổi trong luật bầu cử và đăng ký chính đảng, bên cạnh những cải tổ của chính phủ.

Việc trở lại chính trường của đảng này không đem lại thách thức trực tiếp nào đối với chính quyền, vì lẽ chỉ có chưa tới 50 ghế trong số 500 ghế tại quốc hội được mang ra bầu. Nhưng điều này cũng đủ đưa bà Aung San Suu Kyi ra ánh sáng sân khấu chính trường.

Ngỏ lời với những người ủng hộ và các ký giả tại Rangoon hôm thứ Sáu, bà Suu Kyi nói:

“Đã tới lúc đảng của tôi trở lại chính trường. Mọi người đang theo dõi và xem đảng của tôi có thể làm những gì, trong cơ hội mỏng manh này. Điều cần nhất là mọi người phải làm việc với một tinh thần cởi mở cho những điều mà người dân và đất nước cần đến.”

Đảng NLD từng tẩy chay cuộc bầu cử toàn quốc vào năm 2010, được tổ chức lần đầu tiên sau 20 năm, vì nhiều qui luật trong đó có luật buộc khai trừ bà Aung San Suu Kyi, nếu đảng này không muốn bị loại khỏi chính trường.

Các nhà phê bình gọi cuộc bầu cử trên chỉ là một trò dân chủ giả tạo để củng cố giới quân phiệt.

Sau đó thì đảng của giới quân nhân đã thắng cử, và ít ngày sau bà Suu Kyi không còn bị giam giữ tại nhà.

Trong những tháng mới đây, ngay những nước chỉ trích Miến Điện gay gắt nhất như Hoa Kỳ đã phải ngạc nhiên về những cải tổ mà chính phủ nước này nói là nhằm lập lại nền dân chủ.

Sau khi cầm quyền hồi tháng 3, Tổng thống Thein Sein đã nới lỏng kiểm soát đối với giới truyền thông, cho phép thành lập các công đoàn, ngưng xây đập thủy điện bị chỉ trích do Trung Quốc tài trợ, nói chuyện trực tiếp với bà Aung San Suu Kyi, và phóng thích hơn 200 tù chính trị.

Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền chỉ ra rằng vẫn còn hàng trăm tù nhân chính trị bị giam giữ và những cải cách nên được xúc tiến mau lẹ.

Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Bali hôm thứ Sáu, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan tuyên bố Tổng thống Hoa Kỳ cũng như ASEAN đều hy vọng tiến bộ chính trị của Miến Điện sẽ tiếp diễn.

Mặc dù có cách tiếp cận mới với chính phủ Miến Điện, Mỹ và EU vẫn còn duy trì những bước chế tài kinh tế với nước này vì các vụ vi phạm nhân quyền.