Tổ chức Bác Sĩ Không Biên Giới nói 2/3 số người nhiễm HIV ở Miến Điện cần đến mà không có được trị liệu chống virut.
Tình trạng này khiến cho 85.000 người dễ bị mắc các chứng bệnh lao, là nguyên do gây ra 1/4 trong số những cái chết về bệnh AIDS.
Tổ chức có tên gọi theo mẫu tự đầu của danh xưng tiếng Pháp là MSF nói rằng mỗi năm có ước chừng 9.300 ca bệnh mới bị bệnh lao kháng thuốc, nhưng cho đến nay chỉ có 300 người được điều trị.
Để giúp rút ngắn khoảng cách biệt giữa số người bị bệnh và số người được điều trị này, MSF trông đợi được sự hỗ trợ tài chính nằm trong khuôn khổ một vòng viện trợ mới của Quỹ Toàn cầu Phòng chống AIDS, lao và sốt rét. Nhưng hồi tháng 11, vòng viện trợ này đã bị đột ngột cắt đứt vì thiếu tiền mặt của các quốc gia cấp viện.
Ông Peter Paul de Groote là người đứng đầu các hoạt động của tổ chức này ở Miến Điện, còn có tên gọi là Myanmar. Ông nói tài trợ lẽ ra đã mở rộng được sự điều trị rất nhiều.
Ông de Groote cho biết: “Vì vòng viện trợ thứ 11 bị hủy bỏ nên nay đã không có được sự mở rộng đó, có nghĩa là 46.500 người bị nhiễm HIV lẽ ra được điều trị trong những năm sắp tới và khoảng 10.000 người bị bệnh lao kháng thuốc sẽ không được điều trị bởi vì ngân khoản cần thiết sẽ không được đưa tới Miến Điện .”
MSF nói các trường hợp nhiễm HIV tương đối thấp ở Miến Điện, nhưng việc thiếu trị liệu khiến cho Miến Điện trở thành một trong những nơi dịch bệnh này mang tính nghiêm trọng nhất tại châu Á. Liên Hiệp Quốc cho hay mỗi năm có từ 15.000 đến 20.000 người sống với HIV chết tại Miến Điện bởi vì họ không được điều trị. Các trường hợp bị lao ở Miến Điện cao gần gấp 3 mức trung bình toàn cầu.
MSF là tổ chức lớn nhất cung cấp trị liệu chống virut ở Miến Điện, nơi y tế chiếm một phần rất nhỏ trong mức chi của chính phủ.
Miến Điện dự định sẽ tăng ngân sách trong năm nay dành cho y tế, nhưng vẫn còn lệ thuộc vào ngoại viện.