Các cơ quan truyền thông nhà nước Miến Điện loan báo việc thông qua các luật lệ bầu cử đã được chờ đợi lâu nay, nhưng không đề ra ngày tháng bầu cử.
Các thông báo ngắn trên đài phát thanh và truyền hình do chính phủ kiểm soát không đưa ra mấy chi tiết về các luật lệ, mà chỉ nói rằng sẽ có thêm thông tin sau này.
Các luật lệ này sẽ xác định quy chế mà các cuộc bầu cử quốc hội gây nhiều tranh cãi sẽ được tiến hành ra sao vào một thời điểm sau này trong năm nay. Đây sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên từ 20 năm.
Ông Zin Linn là phát ngôn viên của chính phủ lưu vong Miến Điện. Ông nói các luật lệ bầu cử không quan trọng nếu không có sự thay đổi trong hiến pháp.
Ông Zin nói: “Vấn đề là, không phải cuộc bầu cử, mà là Hiến pháp năm 2008. Trong bản hiến pháp này, như quý vị đã biết, có nhiều điều khoản thiếu dân chủ.”
Chính phủ quân nhân Miến Điện đã cưỡng ép các thay đổi hiến pháp mà giới chỉ trích cho là bảo đảm để họ tiếp tục nắm quyền bất chấp các cuộc bầu cử.
Các tổ chức nhân quyền nói rằng hơn 2100 tù nhân chính trị ở Miến Điện, trong đó có nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi, phải được phóng thích thì các cuộc bầu cử mới tự do và công bằng được.
Nhà khảo cứu về Miến Điện của Tổ chức Ân xá Quốc tế, ông Benjamin Zawacki nói rằng cộng đồng quốc tế không thể chấp nhận kết quả bầu cử trong khi Miến Điện có nhiều tù nhân chính trị như thế, mà nhiều người trong số này lại ủng hộ phe đối lập.
Ông Zawacki nói: “Tôi cho rằng họ cần phải định ra một tiêu chuẩn rất rõ ràng và gửi đi một tín hiệu cũng rõ ràng là nếu như các tù nhân chính trị này không được phóng thích, thì cuộc bầu cử sẽ không hợp pháp và vì thế chúng ta sẽ không chỉ giao dịch với chính phủ hình thành từ cuộc bầu cử này.”
Hiến pháp cũng ngăn cấm lãnh tụ tranh đấu cho dân chủ đang bị cầm giữ là bà Aung San Suu Kyi không được ra tranh cử. Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ của bà chưa quyết định liệu có tham gia bầu cử hay không. Liên minh đã thắng áp đảo trong cuộc bầu cử kỳ trước vào năm 1990 nhưng quân đội Miến Điện đã làm lơ trước kết quả đó.
Quân đội đã quản thúc bà Aung San Suu Kyi phần lớn thời gian kể từ đó đến nay.
Chính phủ quân nhân Miến Điện đã chung quyết các luật lệ cho cuộc bầu cử lịch sử sẽ diễn ra vào một thời điểm trong năm nay. Nhưng chính phủ lưu vong Miến Điện nói rằng hiến pháp thiếu dân chủ và các cuộc bầu cử sẽ không tự do và công bằng nếu các tù nhân chính trị không được phóng thích. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Daniel Schearf gửi về bài tường thuật sau đây.