Nhiều người ở Việt Nam đang yêu cầu nhà chức trách tỉnh Lâm Đồng phải kiểm điểm trách nhiệm cũng như đóng cửa hai khu du lịch gần Đà Lạt xây Vạn Lý Trường Thành thu nhỏ và dựng các tượng bị cho là giống âm binh của Tần Thủy Hoàng.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng họp nóng vào sáng 31/8 về vấn đề này nhưng chưa đưa ra giải pháp cụ thể.
Theo tìm hiểu của VOA, một khu du lịch của tập đoàn Thành Thành Công (TTC) cách đây gần 20 năm đã xây “tiểu Vạn Lý Trường Thành” dài 700 mét ở đồi Mộng Mơ, phỏng theo công trình phòng thủ kỳ vĩ do triều đại nhà Tần của Trung Quốc cổ bắt đầu xây dựng hơn 2.200 năm trước.
Báo Người Lao Động từng cảnh báo về “sản phẩm” này của TTC vào giữa tháng 8/2011 với bài viết “Sốc với ‘Vạn Lý Trường Thành’ … Đà Lạt”. Bài viết nêu quan ngại về việc một địa điểm du lịch đông khách tham quan của Việt Nam lại “nghiêm túc”, “kính cẩn” tôn vinh văn hóa Trung Hoa, trong khi “gây tổn thương” cho tự hào dân tộc.
Sau bài viết, tiểu Vạn Lý Trường Thành vẫn tồn tại từ đó đến nay. Nhưng trong vài ngày gần đây, công trình lại trở thành đề tài công kích của cộng đồng mạng.
Cùng thời gian, một khu du lịch khác có tên là Quỷ Núi của công ty Liên Minh ở một xã của huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, bị chỉ trích vì ban quản lý chuyển về hàng chục tượng binh lính bị xem là giống âm binh nhà Tần.
Ông Phạm Minh Vũ, từng là thành viên của hội Anh Em Dân Chủ và bị bỏ tù vì các hoạt động tranh đấu, viết trên trang cá nhân rằng tiểu Vạn Lý Trường Thành và các tượng trông giống âm binh nhà Tần “tạo sự liên tưởng ghê tởm” đến chế độ “tàn bạo” dưới sự cai trị của Tần Thủy Hoàng, không đáng được xây dựng trên đất Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Vũ lưu ý rằng cần phải cảnh giác với khả năng Trung Quốc lợi dụng những phần trưng bày kể trên để đánh tráo khái niệm rồi khẳng định con người và văn hóa Trung Quốc từng tồn tại ở Lâm Đồng, Việt Nam, từ đó tạo cớ để tranh giành đất đai.
Cũng cảnh báo tương tự, tiến sĩ toán học Nguyễn Ngọc Chu cho rằng điều này không phải là “quan trọng hoá vấn đề” vì đã có nhiều ví dụ về việc Trung Quốc đánh lận con đen.
Ông Chu dẫn lại những chuyện đã được báo chí đưa trước đây, gồm hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc thuyết minh cho khách du lịch nước này khi họ đến Đà Nẵng rằng đây là thành phố có liên quan đến Trung Quốc vì có bãi biển tên là China Beach, hay trong đàm phán với Việt Nam, Trung Quốc nói Hoàng Sa là của Trung Quốc vì tìm thấy hài cốt người Trung Quốc ở Hoàng Sa.
Cựu tù nhân lương tâm Phạm Minh Vũ, tiến sĩ toán học Nguyễn Ngọc Chu, tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, họa sĩ Thành Chương bày tỏ trên Facebook rằng nhà chức trách Lâm Đồng cần “dẹp” ngay hai khu du lịch nêu trên. Họ cũng kêu gọi người dân tẩy chay.
Các bài viết của những người nổi tiếng trên mạng này nhận được hàng chục nghìn lượt phản ứng, bình luận và chia sẻ từ đông đảo những người theo dõi.
Trước cơn bão dư luận, ông Ngô Quang Phúc, chủ của công ty Liên Minh, nói với báo Thanh Niên hôm 31/8 rằng các tượng bị đồn là “âm binh nhà Tần” thực ra là “tượng lính Việt” mà ông mua lại từ khu du lịch Đại Nam ở Bình Dương.
“Những tượng lính Việt xưa này được khu du lịch Đại Nam đúc và sử dụng hơn 10 năm qua và đều là tượng cũ”, ông Phúc cho biết thêm. Hiện nay, khoảng 60 tượng được tập trung về bãi xe khu du lịch Quỷ Núi “để sửa chữa, phục chế”, ông nói với Thanh Niên.
VOA liên lạc qua điện thoại với ông Phúc để tìm hiểu thêm nhưng ông chỉ nhấc máy rồi không nói gì.
VOA cũng gọi điện cho bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng để hỏi về phương hướng xử lý của sở. Bà Nguyên chỉ đáp lại ngắn gọn rằng bà “đang chủ trì cuộc họp” và “không thể trả lời phỏng vấn”.
Theo báo Lao Động, sáng 31/8, sở này tổ chức "họp nóng" về việc khu du lịch của công ty Liên Minh đang vận chuyển về những bức tượng binh lính thời xưa gây xôn xao dư luận.
Lao Động tường thuật rằng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng “đã nắm thông tin và đang phối hợp với các ngành chức năng xác minh, xử lý”, nhưng không có thêm chi tiết gì khác.
Trong số hàng nghìn người bày tỏ phản ứng hoặc đưa ra lời chỉ trích hai khu du lịch ở Lâm Đồng về tiểu Vạn Lý Trường Thành và các tượng bị nghi là âm binh nhà Tần, hiếm hoi có một vài người cho rằng cộng đồng mạng đang “nâng cao quan điểm” không cần thiết.
Luồng quan điểm này cho rằng nếu xây mô hình Vạn Lý Trường Thành là “thờ ngoại bang” hay “bán nước”, một số hãng giải trí Nhật, Mỹ, v.v… đã “bán nước cho Trung Quốc từ lâu rồi” vì các hãng đó tái hiện Vạn Lý Trường Thành và các kỳ quan khác của Trung Quốc trong nhiều quần thể công viên ở Nhật, Mỹ…
CẬP NHẬT:
Các báo Việt Nam cho biết Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng vào sáng ngày 1/9 kiểm tra các tượng binh lính thời xưa mà công ty Liên Minh đưa từ Bình Dương về Đà Lạt trong các ngày trước.
Báo chí tường thuật rằng bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở, làm việc với ông Ngô Quang Phúc, chủ của Liên Minh.
Bà Nguyên được trích lời nói rằng: “Tại thời điểm kiểm tra, ông Phúc chưa được cấp phép về các dự án liên quan đến số tượng này nên chúng tôi thống nhất việc yêu cầu chuyển số tượng này về chỗ cũ”.