Chính phủ Anh hạn chế di dân không thuộc khối EU

  • Jennifer Glasse

Khu vực sắc tộc như Brixton ở Nam London nơi những người gốc Caribê đến đây vào thập niên 1940

Anh quốc thu hút sinh viên và công nhân từ khắp nơi trên thế giới, đến mức di dân trở thành yếu tố chính đẩy nhanh tình trạng tăng trưởng dân số của Anh. Nhiều người cho rằng luồng di dân đổ vào Anh đang gây căng thẳng cho hệ thống an sinh xã hội của nước này. Chính phủ liên hiệp mới dự tính đề xuất một mức trần cho con số di dân từ bên ngoài khối EU. Thông tín viên VOA Jennifer Glasse tường trình về những bước dài mà một số di dân phải theo để có thể ở lại Anh Quốc và thăm dò các hệ quả có thể có của những hạn chế về di dân mà chính phủ đề xuất.

Giới hữu trách Anh đang trấn áp những vụ hôn nhân giả, trong đó một người mang quốc tịch EU kết hôn với một ai đó ngoài khối EU để người này có thể ở lại Anh Quốc.

Một mục sư ở nam bộ Anh vừa bị cáo buộc là thực hiện hơn 360 vụ hôn nhân giả như thế.

Ông Sam Bullimore là một viên chức thuộc Cơ quan Biên giới Vương quốc Anh.

Ông Bullimore cho biết: “Chúng tôi thấy những ca mà tiêu biểu có lẽ một người mang quốc tịch Tây Phi, không thuộc khối EU, kết hôn với một người có quốc tịch EU, có thể là người Hà Lan, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây ban nha và thế là họ được hưởng mọi quyền lợi, vì thế mà họ việc kết hôn với một người có quốc tịch EU là một khoản đầu tư có lợi.”

Ông Bullimore nói sự kiện này đã trở thành một kỹ nghệ, nơi người “tạo điều kiện” có thể kiếm hơn 10.000 đôla cho mỗi một đám cưới giả. Mục sư Tim Codling đã bắt đầu hợp tác với cảnh sát sau khi ông bị ngập với những yêu cầu cử hành phép cưới mà ông thấy là đáng nghi ngờ. Trong một buổi lễ ông bắt đầu đọc tên những nhà ga xe lửa thay vì những lời thề thốt, và cô dâu rõ ràng không hiểu tiếng Anh đã lập lại theo ông. Ông Codling nói một hệ thống luật pháp song hành khiến cho các nhà thờ trở thành một mục tiêu dễ dàng.

Ông Codling nói: “Giáo hội Anh hấp dẫn hơn bởi vì không phải thông qua những loại kiểm tra như khi nộp đơn qua một hệ thống thế tục.”

Ông Bullimore nói một hình thức lừa đảo khác mà di dân thường làm là dùng các trường học giả, để cấp thị thực sinh viên.

Ông Bullimore nói tiếp: “Ta thấy nhiều trường hợp các trường đại học được mở ra, có thể nhận 5.000 sinh viên hay sẽ có 5.000 sinh viên nộp đơn vào các lớp trong trường đại học đó, và chính trường đại học, khi đi thăm thì chỉ có chỗ cho 200 sinh viên.”

Chính phủ của thủ tướng David Cameron đang tìm cách cắt giảm số di dân từ bên ngoài Liên hiệp châu Âu. Chính phủ đã định mức hạn chế con số di dân có thể nhập cảnh, vào khoảng trên 24.000 mỗi năm. Quy định này hiện có tính cách tạm thời, nhưng sẽ trở thành vĩnh viễn vào tháng 4 sang năm.

Chính sách này đã vấp phải sự chỉ trích của một nhóm các khôi nguyên giải Nobel nói rằng nói sẽ làm nản lòng những sinh viên và khoa học gia đến Anh Quốc và đe dọa đến thanh danh của nước Anh trong tư cách là nước đứng đầu về nghiên cứu. Giới lãnh đạo kinh doanh nói nó sẽ gây trở ngại cho các cơ sở kinh doanh tuyển dụng các tài năng quốc tế. Các nhà sản xuất xe hơi cũng đưa ra lời cảnh báo tương tự.

Ông Alp Mehmet, thuộc nhóm khảo cứu Migration Watch, tán thành mức hạn chế của chính phủ. Ông tin rằng con số di dân đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Ông Mehmet nói: “Vấn đề không phải là di dân, mà điều chúng ta muốn có là một con số bền vững, một con số nào đó. Số người đến đây được định ở mức họ có thể hoà nhập, có thể trở thành một phần của xã hội này thay vì những nhóm bên trong xã hội.”

Nước Anh có một lịch sử dài về tiếp nhận di dân, và thủ đô Anh đầy rẫy những khu vực sắc tộc như Brixton, ở Nam London, là nơi những người gốc Caribê đến đây vào thập niên 1940. Có khoảng 176 ngàn di dân mỗi năm đến Anh quốc, tân thủ tướng muốn giảm con số đó xuống chừng vài chục ngàn, và đã gợi ý với các doanh nghiệp ở đây rằng ông có thể nới lỏng mức trần ấy đối với công nhân có tay nghề để duy trì hoạt động kinh doanh ở Anh.