Danh ca Brenda Lee

  • Hoàng Thụy

Nữ danh ca Brenda Lee

Trong chương trình nhạc Mỹ kỳ trước, quí vị đã được nghe giới thiệu tiếng hát của cố ca sĩ Patsy Cline, người đã gây ảnh hưởng âm nhạc rất lớn đến thế hệ về sau, trong thể nhạc đồng quê. Tuần này mời quí thính giả nghe phần giới thiệu về tiếng hát của danh ca Brenda Lee, cũng một thời vang dội vào thập niên 1950 và 1960 với 37 bài hát xếp đầu bảng, chỉ thua mỗi Elvis Presley, The Beatles, Ray Charles và Connie Francis.

Tên khai sinh là Brenda Mae Tarpley, sinh trưởng tại thành phố Atlanta tiểu bang Georgia. Lúc sinh ra rất nhỏ bé, chỉ nặng chưa đầy 2 kí. Gia đình lao động, rất nghèo, bà phải ngủ chung với 2 người chị khác. Khi lớn lên, cô tham gia ban hợp xướng nhà thờ. Ngay từ năm 2 tuổi, Brenda Lee đã chứng minh cho gia đình và mọi người chung quanh khả năng âm nhạc thiên phú của bà, chỉ mới 2 tuổi nhưng bà đã có thể huýt sáo giai điệu của một bản nhạc nghe được qua máy phát thanh. Cũng nhờ biết hát từ nhỏ, mẹ và chị của bà thường đưa con đến tiệm bán kẹo gần nhà, mỗi khi Brenda Lee hát, bà được chủ tiệm tặng kẹo vì tiếng hát quá hay.

Năm lên 5 tuổi, nhờ khuôn mặt xinh xắn và khả năng trình diễn trên sân khấu, bà đã đạt được sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán thính giả, năm 6 tuổi đã đoạt giải thi hát trong trường tiểu học và xuất hiện trên chương trình phát thanh để giới thiệu giọng ca trẻ. Thân phụ của bà qua đời năm 1953 lúc bà chỉ 10 tuổi và bà trở thành người lo toan cho đời sống gia đình, bằng tiền công đi hát.

Sự nghiệp ca hát của Brenda Lee bắt đầu vào tháng 2 năm 1955 khi bà xuất hiện trong chương trình biểu diễn trên truyền hình, khi nghe bà hát, khán giả đã vỗ tay khen thưởng nhiệt liệt, nhất định không cho bà vào trong, và buộc bà phải hết thêm 3 bài nữa. Năm 1956 bà được hãng Decca Records ký hợp đồng, bài hát Dynamite được khán giả yêu thích ở khắp nơi và đặt cho bà danh hiệu cô bé Dynamite.

DYNAMITE


Thoạt đầu bà nổi danh nhờ nhạc đồng quê, nhưng ban quản trị muốn tiếng tăm của bà đi xa hơn và đã quảng bá tên tuổi của bà bằng thể nhạc đương thời, vì thế dù có nhiều nhạc phẩm hát theo thể điều đồng quê nhưng không được xếp loại. Kể từ khi ký hợp đồng với Decca, Brenda Lee đã chứng minh cho mọi người khả năng âm nhạc của bà với phong cách trình diễn sống động và đầy sáng tạo, bài hát Sweet Nothin’s cho thấy bà hát nhạc Rock and Roll rất đạt.

SWEET NOTHIN’S


Nhưng thể nhạc của Brenda Lee được nhiều chú ý lại là nhạc giáng sinh, đây là thể nhạc bà có số bán kỷ lục kể từ năm lên 13 tuổi với bài hát con nai mũi đỏ tên Rudolph hay Rockin’ Around the Christmas Tree, đây là những bài hát giáng sinh mới ra đời và giọng hát của Brenda Lee được xem là tiêu biểu để hát những nhạc phẩm này.

Năm 1960, Brenda Lee thu âm bài hát “I’m Sorry” và trở thành bài hát đứng số 1 trên bảng xếp hạng của Billboard và được đề cử giải Grammy đầu tiên cho Brenda Lee. Mặc dù không xếp loại nhạc đồng quê nhưng bài I’m Sorry lại trở thành giai điệu Nashville, là cái nôi của thể nhạc đồng quê vì sử dụng nhạc sĩ và âm thanh của Nashville.

I’M SORRY

Không chỉ nổi tiếng ở Mỹ, tên tuổi của Brenda Lee và vóc dáng bé nhỏ xinh xinh của bà đã thuyết phục giới thưởng ngoạn Anh Quốc, năm 1959 bà đã nhiều lần lưu diễn sang Anh và được mọi người yêu mến. Đĩa hát của bà bán rất chạy ở Anh, nhất là bài hát Let’s Jump the Broomstick, không thành công ở Mỹ nhưng xếp đầu bảng ở Anh. Đến năm 1963 bà lại phát hành thêm các bài hát xếp đầu bảng như bài Losing You, Mất Anh cùng một số bài hát ăn khách khác

LOSING YOU


Sang thập niên 1970, Brenda Lee chuyển hướng thành nghệ sĩ nhạc đồng quê và liên tục phát hành hàng loạt các bài hát đầu bảng như bài hát Nobody Wins của năm 1973, Sunday Sunrise, Wrong Ideas của năm 1974. Mời quí vị nghe cách trình diễn nhạc đồng quê của bà qua nhạc phẩm Nobody Wins, không kẻ thắng cuộc.

NOBODY WINS

Brenda Lee hiện vui hưởng tuổi già với con cháu. Tính cho đến hôm nay bà đã phát hành 29 đĩa hát và 4 đĩa video với 72 bài hát đơn theo thể loại đồng quê và đương thời. Năm 2002 bà được đưa vào viện âm nhạc danh tiếng Rock and Roll Hall of Fame và sau đó được trao giải Sự Nghiệp Grammy năm 2009.