Tai nạn xảy ra sau khi dàn khoan của hãng dầu BP chìm xuống biển cách đây hai tuần, sau một vụ nổ. Cho đến nay, người ta chỉ mới bít được chỗ nhỏ nhất trong ba nơi hở dầu, và bây giờ đang cố gắng để đối phó với hai chỗ còn lại.
Gần 10 triệu lít dầu đã đổ ra và đang đe đọa vùng biển Louisiana, nơi có cả chục ngàn người Việt sống bằng nghề đánh bắt thủy sản. Không phải chỉ có ngư dân, chủ tàu mới bị ảnh hưởng; mà còn có công nhân chế biến thủy sản, nhà hàng thủy sản, du lịch…
Từ thành phố New Orleans của bang Louisiana, nhà báo Vương Kỳ Sơn cho biết:
“Tất cả mọi người đều rất lo lắng, coi như năm nay khó có thể nghĩ đến việc hành nghề được vì vết dầu vẫn đang lan ra và chưa có cách gì để làm sạch sẽ trong một thời gian ngắn. Không làm được như thế sẽ nhiễm độc tất cả hải sản, tôm cá, sò, ghẹ… không phải là một năm mà nhiều năm vì nó sinh sản, con cái của nó cũng nhiễm độc. Dĩ nhiên các nhà khoa học rất quan tâm vấn đề này, đặc biệt là ngư phủ rất lo lắng cho cuộc sống của họ vì không hành nghề được.”
Một số khu vực đã bị ngăn cấm nhưng ở một số nơi, ngư dân vẫn có thể hành nghề:
“Xin thưa thế này. Louisiana là cửa sông Mississippi. Phía Đông của miệng sông Mississippi đó thì hiện nay dầu đã lan vào vùng wetland, vùng đầm lầy. Tuy nhiên, về phía Tây của miệng sông Mississippi thì tương đối ảnh hưởng ít hơn bởi vì gió trong mấy ngày qua đã ngưng, nó không đẩy mạnh những vết dầu đó vào khu vực. Hiện thời ở vùng phía Tây của miệng sông Mississippi, gọi là vùng cao của Louisiana, nhà chức trách đang bảo vệ hải sản, ở đó có rất nhiều những con tôm đang sống trong những cái hồ và đang ở thời kỳ niên thiếu. Chính quyền không cho ngư phủ vào đó để đánh số tôm đó, và phải chở vài tuần nữa, khi tôm lên cỡ 75 milimét, gọi là tôm trưởng thành, thì lúc đó họ sẽ mở hồ, cho phép vào đánh bắt tôm của mùa 2010. Thành ra có những vùng, như Lafayette… vẫn có thể đánh bắt trong giới hạn 3 dặm (4,8 kilomet). Còn những vùng khác thì hiện thời đang bị ngăn chận, bởi vì vết dầu đang lan ra.”
Hãng dầu BP gây ra tai nạn đã thuê một số tàu của ngư dân giúp họ tổng vệ sinh, nhưng theo lời nhà báo Vương Kỳ Sơn, không phải tàu nào cũng được thuê mướn:
“Người Việt Nam cũng có một số tàu đủ điều kiện về an toàn, như có phao, bình cứu hỏa… Cơ quan Tuần Duyên sẽ kiểm soát và thấy đủ những thứ đó thì họ mới cho phép ra làm ở ngoài khơi và sẽ được trả tiền. Còn những người không đủ điều kiện thì cũng đang cố gắng lo cho đủ để có việc làm trong thời gian này, nghĩa là nếu họ không đi đánh tôm được thì họ cần có một việc gì đó để làm. Hiện nay đã có 5 đến 7 tàu của người Việt Nam, loại tàu lớn, từ 60 feet (18 mét) trở lên, đã ra ngoài đó để làm, nhóm này được trả 2.000 đôla một ngày, đó là tiền công, còn tiền dầu nhớt và các chi phí khác sẽ được hãng dầu BP trả. Những con tàu nhỏ hơn, chẳng hạn như 50 feet (15 mét) trở xuống chẳng hạn cũng đã có một số ra ngoài khơi làm việc, và những tàu nhỏ này được trả chừng 1.500 đôla một ngày, cộng với tiền dầu nhớt, thực phẩm và các chi phí khác.”
Tại Washington, BPSOS, một trong những tổ chức phục vụ cộng đồng đã lập hẳn một trang web để giúp ngư dân trong vụ đổ dầu này.
Trước hết, BPSOS cung cấp những thông tin về sức khỏe, giúp mọi người tránh ảnh hưởng của mùi dầu như thế nào. Kế đến là thông tin giúp người dân trong vùng hiểu những quyền lợi kinh tế và pháp lý của họ.
Luật sư Phan Quốc Cường, Quản trị viên về Giao tế và Truyền thông của BPSOS đưa ra ví dụ có thể xảy ra, như đứng trước tình trạng bị mất thu nhập, nhiều người thấy hãng dầu BP đưa ra một chút quyền lợi, họ sẽ nắm lấy nhưng không biết rằng trong hợp đồng có những hàng chữ nhỏ nói rằng khi ký hợp đồng này, người ký về sau sẽ từ bỏ quyền đi kiện công ty, ví dụ như vậy. Luật sư Cường nói tiếp:
“Trách nhiệm của một tổ chức cộng đồng là phải đưa ra những thông tin cần thiết và bổ ích, giúp đỡ họ tìm được giải pháp đứng đắn nhất trong thời điểm hiện tại. Đầu tuần tới BPSOS sẽ tổ chức các buổi họp với đồng hương, sẽ đưa những chuyên viên sức khỏe, có bác sĩ Nguyễn Ý Đức; có luật sư người Mỹ gốc Việt của tổ chức đến để giải thích cho họ các quyền lợi. Sau đó sẽ làm áp lực với chính quyền liên bang, tiểu bang để mang lại những chương trình hỗ trợ khẩn thiết nhất cho họ. Đối với những người không thông thạo tiếng Mỹ, BPSOS sẵn sàng giúp họ, bởi vì chúng tôi đại diện cho quyền lợi của phần lớn người Việt Nam nhưng cũng sẵn sàng tranh đấu cho các sắc dân khác như Kampuchia, Hmong, và người Mỹ gốc châu Á khác. Chúng tôi có chuyên viên, luật sư thông thạo nhiều thứ tiếng.”
Dịp này, Luật sư Phan Quốc Cường cũng lưu ý các chủ tàu người Việt được hãng dầu BP thuê mướn để dọn dẹp cho họ:
"Đối với việc hàng dầu BP đang cung cấp những chương trình như tuyển dụng các chủ tàu không có việc làm vào làm cho họ, thì việc quan trọng nhất là phải xem kỹ những điều trong hợp đồng. BPSOS sẽ họp với BP trong nay mai, thành ra trong khi tới lúc đó, chúng tôi chưa có thời gian xem xét kỹ những hợp đồng đó; nhưng điều hiển nhiên là khi hãng dầu này muốn giảm thiểu các thiệt hại của họ thì một mặt họ muốn mướn thẳng người dân vào làm việc cho họ, mặt thứ hai là trong hợp đồng sẽ có những điều khoản bất lợi cho nhân viên vào làm việc cho họ. Ví dụ như nếu muốn nhận công việc này thì quý vị hứa sẽ không đeo đuổi các vụ kiện với BP trong tương lai. Cho dù công ty không đưa ra điều kiện đó thì khi nhận lời làm việc với công ty, các chủ tàu cũng có thể đánh mất tư cách pháp lý của họ sau này. Ví dụ như anh là một người bình thường đi kiện hãng dầu về những thiệt hại do hàng dầu gây ra cho cuộc sống của anh, nhưng nếu trước tòa hãng dầu có thể chứng minh họ đã giúp anh, đã mướn anh vào làm việc, trong thực tế quyền lợi đó rất nhỏ bé, nhưng về mặt pháp lý hay về mặt tư thế thì rõ ràng hãng dầu đã giúp anh ngay từ đầu. Do đó sau này anh khó có điều kiện, tư thế mạnh để kiện hãng dầu. Đó là một điều căn bản mà BPSOS muốn đưa ra và khuyến cáo quý đồng hương. Hiển nhiên quý đồng hương có quyền quyết định cho chính mình, nhưng cho đến khi chúng tôi có dịp xem lại những hợp đồng cho rõ ràng về mặt pháp lý thì chúng tôi khuyến cáo đồng hương hãy đừng ký bất kỳ giấy tờ nào, tham gia bất kỳ chương trình nào của hãng dầu bởi vì quý vị phải thấy rằng hãng dầu là thủ phạm gây ra thảm họa thiên nhiên lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ lần này. Nếu mình đi thẳng với họ thì hóa ra mình đã tự đánh mất đi cái tư thế nạn nhân của mình.
Đây là một mánh khóe rất thông thường vẫn được các hãng dầu lớn sử dụng để vô hiệu hóa các vụ kiện sau này do các nạn nhân đi kiện.
Chúng ta đã biết cách nay khoảng 20 năm đã có một thảm họa dầu loang rất lớn tại tiểu bang Alaska, gọi là vụ Exxon Valdez. Hãng dầu Exxon lúc đó cũng sử dụng một mánh khóe tương tự, tức là mướn những nạn nhân đang không có việc làm; sau này các nạn nhân đó không thể nào kiện lại Exxon, hay có kiện cũng không được đền bù thỏa đáng.”