Tháng Bảy này đảng viên của Đảng Bảo thủ đương quyền tại Anh có cơ hội bỏ phiếu chọn ra thủ tướng mới. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của đảng chính trị lâu đời nhất tại Anh, vốn có nguồn gốc từ thập niên 1830, các đảng viên trực tiếp chọn thủ tướng.
Thông thường thủ tướng mới sẽ lên cầm quyền qua kỳ bầu cử Quốc hội và lãnh đạo của đảng nào được nhiều phiếu nhất sẽ trở thành thủ tướng. Thủ tướng Theresa May hiện nay đã trải qua bầu cử toàn quốc hồi tháng Sáu năm 2017 và để tuột mất đa số mong manh trong Nghị viện Anh khiến Đảng Bảo thủ phải liên minh với Đảng Liên minh Dân chủ của Bắc Ireland để lập chính phủ.
Việc bà May ba lần thất thủ khi đem hiệp định rời Liên hiệp châu Âu EU trình ra Nghị viện đã khiến bà phải tuyên bố từ chức, mở đường cho 10 ứng viên tham gia cuộc đua vào chiếc ghế của bà.
Các ứng viên này đều là dân biểu của Đảng Bảo thủ và một số người đang giữ các chức vụ trong chính quyền.
Hai ứng viên còn lại sau năm vòng bỏ phiếu của các dân biểu Bảo thủ là cựu Ngoại trưởng và cựu Thị trưởng London, Boris Johnson cùng đương kim Ngoại trưởng Jeremy Hunt. Tới đây vai trò của các dân biểu kết thúc và số phận của hai ứng viên nằm trong tay 160.000 đảng viên Đảng Bảo thủ, những người mỗi năm phải đóng đảng phí 25 bảng.
Các thống kê trên báo Anh cho thấy số đảng viên của Đảng Bảo thủ đã tăng chừng 30.000 trong một năm qua nhưng vẫn còn thua xa con số chừng nửa triệu thành viên của đảng đối lập chính, Đảng Lao động.
Điểm chung của các thành viên Đảng Bảo thủ là họ khá già và cũng khá giả. Đa số đều muốn rời EU càng sớm càng tốt, kể cả khi phải rời mà không đạt bất kỳ hiệp định thương mại nào.
Điểm chung của hai ứng viên còn lại trong cuộc đua vào số 10 Downing Street, nơi ở và làm việc của các đời thủ tướng Anh, là họ đều học trường tư rồi vào học Đại học Oxford. Ông Hunt, 52 tuổi, sinh ra tại London còn ông Johnson, 55 tuổi, sinh ra ở… New York. Ông Johnson từng có quốc tịch Hoa Kỳ nhưng sau đó đã xin thôi.
Hai ứng viên chính đã tranh luận trực tiếp trên truyền hình về các vấn đề lớn mà nổi bật là Brexit, quá trình rời khỏi EU của Anh. Cả hai đều cam kết sẽ rời EU vào cuối tháng 10 như lịch trình đã định nhưng ông Johnson có vẻ cứng rắn hơn và ông cũng đang có nhiều cơ hội được các đảng viên Bảo thủ ủng hộ hơn rất nhiều.
Hai ứng viên, mỗi người được tiêu không quá 150.000 bảng Anh cho vận động chính trị, hiện cũng đang đi khắp nơi trong cả nước để thuyết phục các đảng viên ủng hộ. Nước Anh sẽ có thủ tướng mới trong tuần cuối tháng Bảy.
Ngoài vấn đề Brexit đang nan giải, tân thủ tướng cũng sẽ phải bổ nhiệm đại sứ mới ở Washington. Đại sứ hiện thời đã vừa từ chức sau khi điện thư ông gửi về London từ Washington bị lộ. Ông Kim Darroch nhận định trong điện thư rằng chính quyền của Tổng thống Trump “vụng về và bất tài”, điều khiến ông Trump phản ứng lại bằng cách gọi ông Darroch là “rất ngu ngốc”.
Ứng viên Jeremy Hunt công khai ủng hộ ông Darroch và chỉ trích ông Trump không tôn trọng nước Anh. Chuyện ông Trump tuyên bố không làm việc với đại diện của Nữ hoàng tại Washington là điều chưa có tiền lệ và gây nhiều bàn luận ở Anh.
Ứng viên Boris Johnson từ chối ủng hộ ông Darroch và người ta cho rằng đây là lý do khiến ông Darroch từ chức vì gần như chắc chắn ông Johnson sẽ trở thành tân thủ tướng trong vòng hai tuần nữa. Ông Johnson cũng được ông Trump công khai ủng hộ trong cuộc đua vào chức thủ tướng. Thủ tướng mới của Anh sẽ cần có quan hệ gần gũi với ông Trump do hai bên sẽ sớm phải bàn tới hiệp định thương mại song phương khi Anh không còn nằm trong EU.
Cũng giống ông Trump, ông Johnson bị báo chí tấn công vì hay “nói dối”. Một nhà bình luận chính trị nói ông Johnson “nói dối” mà không chịu hậu quả vì lúc ông đóng vai người bông đùa, lúc lại đóng vai chính trị gia khiến người ta không biết khi nào ông đóng vai nào.
Đa số các nhà cái ở Anh đều cho rằng ông Johnson sẽ trở thành thủ tướng vào cuối tháng này trong khi cơ hội của ông Hunt, theo các nhà cái, là chưa tới 10%. Sẽ thật thú vị khi theo dõi quan hệ giữa một nước Mỹ do ông Trump đứng đầu và một nước Anh do người khá giống Trump và được Trump thích cầm lái.