Boris Johnson đắc thắng trong cuộc bầu cử ở Anh

Thủ tướng Anh Boris Johnson được chào mừng khi trở về số 10 Downing Street, London, sau khi gặp Nữ Hoàng Elizabeth II tại Điện Buckingham và nhận lời thành lập chính phủ mới. Thứ Sáu 13/12/2019. (Stefan Rousseau/PA via AP)

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 13/12 kêu gọi nên hàn gắn những bất đồng sâu sắc đã chia rẽ Vương quốc Anh về giải pháp Brexit, nói rằng chiến thắng lớn của ông trong cuộc bầu cử đã trao cho ông nhiệm vụ đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu vào ngày 31 tháng 1.

Là gương mặt của chiến dịch “Rút khỏi EU” trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, ông Johnson dự tranh dưới khẩu hiệu “Get Brexit Done – Hãy Hoàn tất Brexit”, ông hứa sẽ đả thông bế tắc và tăng chi trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và cảnh sát.

Giành được chiến thắng lớn nhất cho phe bảo thủ kể từ sau sự đắc thắng của bà Margaret Thatcher năm 1987, ông Johnson đánh bại đối thủ Jeremy Corbyn của Đảng Lao động. Đảng Bảo thủ của ông giành được 365 ghế. Đảng Lao động chỉ chiếm được 203 ghế.

Kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý, Brexit đã chia rẽ Vương quốc Anh và khiến người dân tự vấn về mọi vấn đề, từ vấn đề ly khai khỏi EU, vấn đề nhập cư cho đến chủ nghĩa tư bản, đế chế, cho tới thế nào là tính cách của người Anh.

Với đa số áp đảo đó, giờ đây ông Johnson có thể nhanh chóng thông qua thỏa thuận Brexit mà ông đã đạt với EU để Vương quốc Anh có thể rời khối này vào ngày 31 tháng 1, nhiều tháng trễ hơn dự kiến ban đầu.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chúc mừng ông Johnson, nói rằng một thỏa thuận thương mại với Mỹ có thể mang nhiều lợi lộc về cho nước Anh, hơn bất cứ thỏa thuận nào với EU, khối kinh tế lớn nhất thế giới.

Scotland bác bỏ Brexit

Kết quả bầu cử được ca tụng là một chiến thắng cho chủ nghĩa dân tộc Anh, Scotland và Ireland - nhưng chiến thắng của ông Johnson đang khơi dậy những lo ngại về tương lai của Vương quốc Anh.

Đảng Quốc gia Scotland (SNP) chủ trương chống Brexit, ủng hộ giải pháp độc lập, giành được 48 ghế trong tổng cộng 59 ghế tại quốc hội Scotland, đánh bại cả đảng Bảo thủ lẫn Đảng Lao động.

Bà Nicola Sturgeon, lãnh đạo của SNP và cũng là bộ trưởng đầu tiên của Scotland nói.

“Cử tri Scotland đã lên tiếng. Bây giờ là lúc chúng ta phải quyết định tương lai của chính mình.”

Bà cho biết chính phủ bán tự trị của bà vào tuần tới sẽ công bố các lập luận bênh vực giải pháp chuyển giao quyền lực từ London đến Edinburgh, cho phép bà tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nữa về giải pháp độc lập cho Scotland.

Ở Bắc Ireland, lần đầu tiên từ năm 1921 khi Ireland bị chia đôi thành Bắc Ireland thuộc vương quốc Anh, và Cộng hòa Ireland ở miền Nam, cử tri ủng hộ giải pháp một nước Ireland thống nhất giành được nhiều ghế hơn so với cử tri muốn ở lại trong vương quốc Anh.

(Reuters, The Guardian)