Các nhà lập pháp sẽ lại chứng kiến một cuộc điều trần khác trong cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga khi Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions ra trước hội đồng Thượng viện trong tuần này. Thông tín viên Michael Bowman của VOA tường thuật rằng cựu thượng nghị sĩ Sessions, người đã từng vận động ráo riết để ủng hộ ông Donald Trump, sẽ phát biểu giũa lúc các nhà lập pháp đang tranh luận về những biện pháp trừng phạt gắt gao hơn đối với Nga.
Là một người thân tín hàng đầu của Tổng thống Trump, Bộ trưởng Tư pháp Sessions đã tự ý rút ra khỏi cuộc điều tra liên quan tới Nga. Nhưng các nghị sĩ vẫn muốn chất vấn quan chức đứng đầu ngành thực thi pháp luật của Hoa Kỳ, sau khi cựu giám đốc FBI James Comey ra dấu cho thấy có những lý do phụ trội để chặn ông Sessions tham gia cuộc điều tra.
Cựu giám đốc FBI James Comey:
"Chúng tôi cũng có thông tin về những sự việc mà tôi không thể thảo luận một cách công khai, là những điều cho thấy là sẽ có vấn đề nếu để ông tiếp tục đóng một vai trò trong cuộc điều tra liên quan đến Nga."
Ông Sessions bị đưa vào tầm ngắm khi ông dấu giếm các cuộc tiếp xúc với đại sứ Nga, và chối bỏ là đã gặp đại sứ Nga..
Trong phiên điều trần để chuẩn thuận ông vào chức Bộ trưởng Tư pháp, ông Sessions khẳng định:
"Có thời gian tôi được coi là một người đại diện trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, và tôi không có liên lạc gì với người Nga".
Toà Bạch Ốc nói không có bằng chứng cho thấy Tổng thống Trump thông đồng với Moscow để ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử hồi năm ngoái, đồng thời phản bác cáo buộc của ông Comey rằng ông Trump đã áp lực buộc ông chấm dứt cuộc điều tra về cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.
Tổng thống Trump nói:
"Không có thông đồng, không có cản trở công lý."
Một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa đồng ý với lời khẳng định đó.
Trong chương trình Tuần này trên đài ABC, Thượng nghị sĩ Cộng hoà Mike Lee, đại diện cho bang Utah có ý kiến:
"Tôi thấy không có bất cứ ý định nào nhằm cản trở công lý. Tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ngay cả khả năng xảy ra một vụ bê bối ở đây hay cản trở công lý".
Nhưng một công tố viên liên bang bị ông Trump sa thải bất đồng với ý kiến đó.
Ông Preet Bahrara, cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ phát biểu trên chương trình ABC This Week:
"Sẽ là điều vô cùng nghiêm trọng, nếu mọi người tin rằng Tổng thống Hoa Kỳ có thể chỉ thị các cơ quan thực thi pháp luật, tùy thích hoặc ý kiến của cá nhân ông, hoặc dựa trên các quan hệ thân hữu, để bảo họ nên hay không nên theo đuổi một vụ án hình sự cụ thể nào đối với bất cứ người nào. Đây không phải là cách Hoa Kỳ vận hành. "
Trong khi đó, một nỗ lực lưỡng đảng đang được đẩy mạnh tại Thượng viện để trừng phạt Nga về vai trò của họ, can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Thượng nghị sĩ John McCain thuộc Đảng Cộng hoà:
"Đã đến lúc chúng ta phải đáp trả cuộc tấn công do Nga thực hiện nhắm vào nền dân chủ Mỹ, một cách mạnh mẽ và quyết tâm, cùng hướng vào một mục tiêu, và bằng hành động ... Không có mối đe dọa nào lớn hơn cho các quyền tự do của chúng ta, hơn là các cuộc tấn công vào quyền của chúng ta được chọn lựa những nhà lãnh đạo của mình, không bị nước ngoài nào xen vào can thiệp."
Một biện pháp đang được xem xét là áp đặt các biện pháp chế tài mới của Mỹ đối với ngành năng lượng của Nga và các khu vực khác. Một biện pháp khác là siết chặt các biện pháp chế tài hiện hữu chống lại Moscow.
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của Đảng Dân chủ:
"Tổng thống Trump và các quan chức trong chính quyền đã ra dấu hiệu cho thấy họ sẵn sàng xem xét việc tháo gỡ các biện pháp trừng phạt đối với Nga, để đổi lấy những nhượng bộ mơ hồ, không cụ thể, ngay cả không có bất kỳ nhượng bộ nào từ Moscow. Quốc hội phải có quyền xem xét bất kỳ quyết định nào của chính phủ này, trước khi hủy bỏ các biện pháp trừng phạt."
Những biện pháp đang được đưa ra như những tu chính án sửa đổi một dự luật chế tài Iran về chương trình phi đạn đạn đạo và về sự hỗ trợ dành cho khủng bố.