Bộ trưởng Tư pháp hạn chế khả năng thẩm phán hủy các bản án trục xuất

Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đang tích cực viết lại các quan điểm về vấn đề di trú nhiều hơn một cách bất thường so với những người tiền nhiệm của ông.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions hôm 19/9 công bố các giới hạn mới đối với khả năng của các thẩm phán di trú trong việc chấm dứt các vụ trục xuất. Đây là bước đi mới nhất trong một loạt các quyết định nhằm tạo thuận lợi cho việc trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp.

Không giống như hệ thống tư pháp liên bang, các tòa án di trú của Mỹ trực thuộc Bộ Tư pháp và bộ trưởng tư pháp có thể viết lại các quan điểm do Ban Kháng nghị Di trú ban hành. Ông Sessions đã tích cực viết lại các quan điểm này nhiều hơn một cách bất thường so với những người tiền nhiệm của ông.

Trong quyết định gần đây nhất, ông Sessions cho biết các thẩm phán chỉ có thể chấm dứt hoặc bãi bỏ các trường hợp trục xuất trong “những tình huống cụ thể và giới hạn.” Thẩm phán “không có thẩm quyền cố hữu để chấm dứt thủ tục trục xuất dù một trường hợp cụ thể có thể làm nảy sinh tình huống đáng thông cảm,” ông nói.

Quyết định vạch ra các trường hợp cụ thể mà theo đó thẩm phán di trú có thể chấm dứt thủ tục trục xuất, bao gồm những trường hợp mà trong đó chính phủ không thể chứng minh được đối tượng phải bị trục xuất. Thẩm phán cũng có thể chấm dứt thủ tục trục xuất nếu chính phủ yêu cầu bãi bỏ hoặc cho phép người nhập cư thời gian để xuất hiện trong phiên tòa nghe chứng cuối cùng đối với đơn xin nhập tịch đang chờ giải quyết khi vấn đề liên quan đến “các yếu tố đặc biệt khơi ra sự thông cảm hoặc nhân đạo.”

Được chấm dứt trục xuất không có nghĩa là người nhập cư có được tư cách pháp lý, nhưng họ có thời gian để theo đuổi những ngả đường khác để được ở lại trong nước một cách hợp pháp. Bộ An ninh Nội địa có thể đặt những người nhập cư được chấm dứt trục xuất vào thủ tục trục xuất trở lại với một văn kiện buộc tội mới.

“Quyết định này là bước tiếp theo trong nỗ lực có phối hợp của bộ trưởng tư pháp nhằm làm suy yếu sự độc lập tư pháp và giảm tối thiểu vai trò của thẩm phán trong các tòa án di trú,” Kate Voigt, phó giám đốc quan hệ chính phủ tại Hiệp hội Luật sư Di trú Mỹ, nói.

Dana Leigh Marks, chủ tịch danh dự của Hiệp hội Thẩm phán Di trú Quốc gia, nói quyết định này “cho thấy một lần nữa mức độ áp lực đang đè nặng lên các thẩm phán để xúc tiến các hồ sơ theo hướng trục xuất càng nhanh càng tốt.”

Bộ Tư pháp từ chối bình luận, Reuters cho hay.