Hôm 5/6, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen điện đàm với Phó Thủ tướng Việt Nam Lê Minh Khái để thảo luận việc tăng cường quan hệ kinh tế và Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước, Bộ Tài chính Mỹ thông báo.
Bộ trưởng Yellen nhấn mạnh sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong việc tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và phiên Đối thoại Chính sách Tài chính và Kinh tế Vĩ mô mới giữa hai nước, giữa Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thông báo cho biết thêm.
Bà Yellen cũng bày tỏ rằng Mỹ ủng hộ việc thúc đẩy chương trình Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) của Việt Nam.
Truyền thông Việt Nam dẫn lời ông Khái nói trong cuộc điện đàm rằng chính phủ Việt Nam “hoan nghênh các đánh giá tích cực” của Bộ Tài chính Hoa Kỳ trong thời gian qua đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam.
Ông nói thêm rằng thời gian qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp trình độ phát triển của thị trường ngoại tệ và yếu tố kinh tế, nhằm đảm bảo hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, không sử dụng chính sách tỷ giá nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng”, theo Cổng thông tin Chính phủ.
Ông Khái kêu gọi Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục đưa ra “những đánh giá khách quan”, xem xét các yếu tố và bối cảnh kinh tế đặc thù của mỗi quốc gia.
Ông cũng tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính liên tục của Hoa Kỳ cho các mục tiêu phát triển của Việt Nam, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng, chuyển đổi năng lượng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, thông qua các sáng kiến song phương và đa phương như chương trình JETP, theo Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN).
Ngoài ra, ông Khái vận động bà Yellen và Bộ Tài chính Hoa Kỳ “có tiếng nói hỗ trợ, tạo đồng thuận trong nội bộ Chính quyền và Quốc hội Hoa Kỳ” để sớm công nhận Quy chế Kinh tế thị trường của Việt Nam. Ông khẳng định điều này “sẽ là minh chứng cho lòng tin, tạo tiền đề cho các hợp tác trên các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước”, vẫn theo Cổng thông tin Chính phủ.
“Trong quá trình xem xét chắc chắn có những ý kiến khác nhau, Việt Nam rất cầu thị, sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu, điều chỉnh để tìm được tiếng nói chung và mong bà hỗ trợ trong việc này”, ông Khái nói.
Trong nhiều tháng qua, chính quyền Việt Nam liên tục vận dụng tất cả những cơ hội có thể để yêu cầu Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, một quy chế mà Hà Nội muốn có được nhằm tránh những bất lợi khi phải đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp tại thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Hà Nội lâu nay vẫn lập luận rằng nước này nên được dỡ bỏ cái nhãn nền kinh tế phi thị trường do đã có những cải cách kinh tế gần đây, và cho rằng việc Hoa Kỳ tiếp tục áp đặt quy chế này là “không tốt cho mối quan hệ song phương ngày càng gắn bó”.
Vào tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ tổ chức buổi tranh luận từ cả hai bên trong phiên điều trần trực tuyến tại thủ đô Washington như một phần của quá trình đánh giá, xem xét khả năng cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Qúa trình này dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối tháng 7 tới.
Hồi tháng 7/2023, bà Yellen có chuyến công du đến Hà Nội, một bước đi được xem là đã mở đường cho việc nâng cấp quan hệ song phương giữa hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9/2023.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại song phương đạt 38,6 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm nay, theo trang VietnamPlus thuộc TTXVN.