Tổng thống Sudan về nước, thách thức án lệnh của tòa Nam Phi

Tổng thống Sudan Omar al-Bashir (phải) chụp hình lưu niệm với với các nhà lãnh đạo châu Phi khác tại hội nghị thượng đỉnh AU ở Johannesburg, ngày 14/6/2015.

Tổng thống Sudan Omar al-Bashir hôm nay từ Nam Phi bay về nước, bất chấp án lệnh của Pretoria yêu cầu ông phải ở lại nước này cho tới khi nào tòa quyết định xem ông có nên bị bắt hay không vì các tội ác chiến tranh và tội diệt chủng.

Trong lúc ông Bashir ở Johannesburg tham dự một thượng đỉnh của Liên hiệp Châu Phi, Tòa án Hình sự Quốc tế ICC đã tìm cách bắt giữ ông. ICC truy tố ông về các tội diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại vì đã phái binh lính và hậu thuẫn cho các dân quân người Ả Rập đàn áp vụ nổi dậy có vũ trang trong cuộc xung đột Dafur năm 2003. Tuy nhiên, ông Bashir lâu nay vẫn kháng cự quyền hạn của Tòa.

Hãng thông tấn chính thức của Sudan cho hay ông Bashir sẽ mở cuộc họp báo tại phi trường Khartoum khi đặt chân xuống đây vào tối nay.

Trước khi ông Bashir rời Nam Phi, cả Liên hiệp quốc và Hoa Kỳ đều kêu gọi tiến hành bắt giữ ông.

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon tuyên bố ‘Quyền hạn của Tòa Hình sự Quốc tế phải được tôn trọng và quyết định của Tòa phải được thi hành.’

Trước đó trong ngày hôm nay, Bộ trưởng Thông tin Sudan loan báo Tổng thống Omar al-Bashir “chắc chắn” sẽ về nước khi hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp Phi Châu kết thúc, bất chấp án lệnh của một vị thẩm phán Nam Phi yêu cầu giới hữu trách không để cho ông Bashir rời khỏi nước này.

Bộ trưởng Thông tin Sudan Ahmed Bilal Osman nói với đài VOA rằng Tổng thống Bashir “không phải là một tội phạm” và đã tham dự hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp Phi Châu sau khi nhận được sự bảo đảm của Tổng thống Nam Phi Zacob Zuma.

‘Chúng tôi có những mối quan hệ rất tốt đẹp với Nam Phi. Chúng tôi biết họ sẽ không bắt Tổng thống Bashir và sẽ không có chuyện gì xảy ra.’

Ông Osman cũng chỉ trích Toà án Hình sự Quốc tế, là toà án đã có những vụ truy tố nhắm vào những chính khách của các nước Sudan, Uganda, Cộng hoà Dân chủ Congo, Cộng hoà Trung Phi, Kenya, Libya và Cote D’Ivoire.

‘Toà án Hình sự Quốc tế là toà án trên thực tế nhắm trừng phạt các nhà lãnh đạo Phi Châu. Hiện nay có nhiều nước đã phạm rất nhiều tội ác trên khắp thế giới nhưng các nước này được miễn bị truy tố.’ Ông Osman khẳng định như vậy và đặc biệt nêu tên Hoa Kỳ và Israel.

Bà Caroline James là luật sư của Trung tâm Tố tụng Nam Phi Châu, một tổ chức đã yêu cầu các toà án ra lệnh bắt giữ ông Bashir. Bà nói rằng nhiều vụ án của Toà án Hình sự Quốc tế phát xuất từ yêu cầu của các nước liên hệ.

‘Một việc quan trọng khác cần được lưu ý là mặc dù quí vị có 'thể lập luận là Toà án Hình sự Quốc tế đang nhắm mục tiêu vào các nhà lãnh đạo Phi châu, quí vị cũng có thể lập luận là toà án đang thực hiện những nỗ lực đặc biệt để bảo đảm là các nạn nhân của những vụ vi phạm nhân quyền ở Phi châu có được công lý. Bởi vì tất cả những tình huống ở Phi châu mà Toà án Hình sự Quốc tế đang điều tra đều có liên hệ tới những tội phạm nhắm vào công dân của các nước Phi Châu.’