Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm thứ Bảy nói rằng ông ủng hộ đặt các phi đạn tầm trung phóng từ mặt đất ở Châu Á tương đối sớm, một ngày sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí mang tính bước ngoặt.
Phát biểu của ông Esper có thể sẽ khơi lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang và có thể càng làm cho quan hệ với Trung Quốc thêm căng thẳng.
“Có, tôi muốn như vậy,” ông Esper nói, khi được hỏi liệu ông có đang cân nhắc đặt những phi đạn như vậy ở Châu Á hay không.
“Tôi muốn nó diễn ra trong những tháng tới ... nhưng những việc thế này thường mất nhiều thời gian hơn mong đợi,” ông nói với các phóng viên tháp tùng đến Sydney khi được hỏi về thời biểu triển khai những phi đạn này.
Mỹ chính thức rời bỏ hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) với Nga vào ngày thứ Sáu sau khi xác định Moscow vi phạm hiệp ước, một cáo buộc mà Điện Kremlin bác bỏ.
Hôm thứ Sáu, các quan chức cao cấp của Mỹ nói rằng sẽ mất vài năm nữa mới triển khai loại vũ khí như vậy.
Các quan chức Mỹ đã cảnh báo từ nhiều năm qua rằng Mỹ đang gặp bất lợi khi Trung Quốc phát triển lực lượng tên lửa đất đối không ngày càng tinh vi mà Lầu Năm Góc không thể sánh được do hiệp ước của Mỹ với Nga.
Mỹ cho đến nay vẫn dựa vào các năng lực khác như một đối trọng với Trung Quốc, chẳng hạn như phi đạn bắn từ tàu hoặc máy bay của Mỹ. Nhưng những người ủng hộ việc Mỹ đặt phi đạn trên mặt đất nói đó là cách tốt nhất để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng các lực lượng phi đạn hùng hậu của họ đặt trên mặt đất.
“Tôi không thấy một cuộc đua vũ trang đang diễn ra, tôi thấy chúng tôi đang thực hiện các biện pháp chủ động để phát triển một năng lực mà chúng tôi cần cho cả chiến trường Châu Âu và chắc chắn chiến trường này,” ông Esper nói, nhắc đến khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Dù chưa có quyết định nào được đưa ra, nhưng trên lí thuyết, Mỹ có thể đặt các phi đạn dễ che giấu và cơ động trên đường ở những nơi như đảo Guam.
Ông Esper không nói ông đang cân nhắc đặt phi đạn ở đâu ở Châu Á, nhưng ông dự kiến sẽ gặp các nhà lãnh đạo cao cấp trong khu vực trong chuyến thăm Châu Á.