Trước khi lên đường công du Châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm thứ hai tuyên bố Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP là một bộ phận quan trọng của chiến lược xoay trục Châu Á của chính quyền Obama. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, ông Carter cũng hô hào cho một mối quan hệ vững mạnh và có tính chất xây dựng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Phát biểu tại Đại học Arizona, người đứng đầu Ngũ giác đài nói rằng khu vực định đoạt tương lai của nước Mỹ là Châu Á Thái Bình Dương, nơi sinh sống của phân nửa dân số thế giới vào năm 2050, nơi cư ngụ của hơn phân nửa những người trung lưu của thế giới vào năm 2030, và là nơi chi tiêu quốc phòng đang trên đà gia tăng. Ông Carter nói với các sinh viên Đại học Arizona rằng đối với thế hệ của họ, thách thức chiến lược lớn nhất là làm thế nào để bảo đảm hoà bình, thịnh vượng và tiến bộ cho khu vực này.
Ông kêu gọi Quốc hội thông qua dự luật Quyền Xúc tiến Thương mại (TPA), một dự luật có sự ủng hộ của cả hai đảng, ngõ hầu Tổng thống Obama có thể làm cho nước Mỹ đạt được thoả thuận tốt nhất với 11 nước khác trong TPP xét về mặt cạnh tranh công bằng.
"Mục đích này sẽ đạt được qua việc đòi hỏi các nước khác chấp nhận những tiêu chuẩn mà nước Mỹ chúng ta đang tuân theo, như sự minh bạch của chính phủ, những luật lệ bảo vệ quyền tài sản trí tuệ, bảo vệ môi trường và quyền của người lao động. TPP cũng sẽ hạ thấp những rào cản đối với hàng hoá và dịch vụ của Mỹ tại các thị trường tăng trưởng nhanh nhất ở Châu Á Thái Bình Dương."
Bộ trưởng Carter cho rằng TPP là một trong các bộ phận quan trọng nhất của chiến lược tái cân bằng sang Châu Á mà chính phủ của Tổng thống Obama đang tiến hành. Ông nói rằng thông qua hiệp định này cũng quan trọng như bổ sung một chiếc hàng không mẫu hạm cho hạm đội Mỹ trong khu vực.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng không còn nhiều thời gian cho cuộc đàm phán đã kéo dài nhiều năm nay. Ông cho biết các nước trong khu vực đang cắt xẻo những thị trường béo bở với những hiệp định mà trong một số trường hợp là những hiệp định dựa trên áp lực và những sự giàn xếp đặc biệt, chứ không dựa trên nguyên tắc và sự công khai.
Hợp tác
Bộ trưởng Carter sẽ đến thăm Nhật Bản, Nam Triều Tiên và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ ở Hawaii trong những ngày sắp tới. Ông cho biết Hoa Kỳ đang ra sức củng cố các mối quan hệ đồng minh lâu đời trong khu vực, và đồng thời, cũng đang tăng cường quan hệ với Ấn Độ và các nước vùng Đông Nam Á. Ông bày tỏ sự quan tâm đối với ngân sách quốc phòng thiếu minh bạch, những hành động trong không gian mạng và cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông.
"Hoa Kỳ và Trung Quốc không phải là đồng minh, nhưng chúng ta không cần phải là địch thủ của nhau. Một mối quan hệ vững mạnh và có tính chất xây dựng giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc là vô cùng cần thiết cho an ninh và thịnh vượng của thế giới. Quan hệ giữa hai nước sẽ là một mối quan hệ phức tạp trong lúc chúng ta tiếp tục vừa cạnh tranh vừa hợp tác."
Ông Carter nói rằng Washington muốn có một tình trạng trong đó mọi nước đều thắng, và tất cả các nước Châu Á Thái Bình Dương, kể cả Trung Quốc, sẽ tiếp tục hưng thịnh để tiếp nối nhiều thập niên hoà bình và thịnh vượng nhờ vào vai trò mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong khu vực.
Hướng về Châu Á
Ông Brad Glosserman, Giám đốc Diễn đàn Thái Bình Dương, một tổ chức nghiên cứu an ninh ở Hawaii, cho biết các nhà lãnh đạo Châu Á xem sự thành công của TPP là yếu tố then chốt của sự tham gia của Mỹ trong khu vực này.
"Yếu tố then chốt ở đây là xem xét và sử dụng từ ngữ chiến lược, bởi vì những gì mà TPP làm là trói buộc và nối kết chúng ta một cách chặt chẽ hơn nữa với các nước trong khu vực, và các mối quan hệ quân sự của chúng ta là nhắm tới mục tiêu làm cho các nước đồng minh tin chắc là chúng ta bị ràng buộc với họ và những địch thủ của chúng ta biết chắc là một vụ tấn công nhắm vào các nước đó sẽ được coi là một vụ tấn công nhắm vào nước Mỹ. Do đó, chúng ta có thể nói là qua việc thật sự nối kết chúng ta một cách hết sức chặt chẽ về mặt kinh tế thông qua TPP và những hoạt động khác trong các lãnh vực kinh tế, kinh doanh, thương mại và chính trị, chúng ta đánh đi một tín hiệu để các đồng minh cũng như các địch thủ của chúng ta biết rõ là chúng ta thật sự đoàn kết với nhau; và vì thế TPP là một bộ phận chiến lược then chốt trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ."
Ông Glosserman cho rằng sự thành công của TPP sẽ tuỳ thuộc vào chính trị quốc nội của Mỹ và sự sẵn sàng của các nhà lập pháp của cả hai đảng để dành cho tổng thống quyền xúc tiến thương mại. Ông nói rằng điều đó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đàm phán đang tiếp diễn giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Dự luật Quyền Xúc tiến Thương mại, nếu được thông qua, sẽ để cho tổng thống thương thuyết các hiệp định thương mại và quốc hội chỉ được quyền hoặc chấp thuận hoặc bác bỏ, chứ không thương thuyết lại các điều kiện trong hiệp định.