Một thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông của Việt Nam, còn gọi là Bộ 4T, nói hôm 8/5 rằng mọi tài khoản mạng xã hội sẽ phải định danh trong năm nay. Nhiều người hoan nghênh và cho rằng nếu nghiêm túc áp dụng quy định này sẽ dẹp được nạn nick ảo của giới dư luận viên.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nói trong một phiên giải trình trước Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam hôm 8/5 rằng bộ của ông sẽ ban hành một nghị định mới về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ tnternet và thông tin trên mạng trước cuối năm 2023 với “thay đổi rất quan trọng”, nhiều báo Việt Nam tường thuật.
Đó là sẽ có điều khoản cụ thể “yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức phải thực hiện việc định danh”, Thứ trưởng Lâm cho biết, được báo chí trích dẫn lại. “Việc này áp dụng cho cả mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok...”, vẫn lời ông Lâm.
"Với các tài khoản mạng xã hội không định danh sẽ bị đấu tranh, ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau", ông Lâm cảnh báo.
Những phát biểu của ông Lâm là để trả lời cho câu hỏi từ Ủy ban Tư pháp về các giải pháp cho việc có những đối tượng lợi dụng sự phát triển của công nghệ, của mạng xã hội để thực hiện hoạt động phạm tội.
Ông Dương Quốc Chính, một nhà bình luận có hơn 70.000 người theo dõi trên Facebook, cho rằng động thái của Bộ 4T “tốt cho xã hội” về tổng quan vì “người ta sẽ phát ngôn có trách nhiệm hơn”.
Trong khi đó, luật sư Lê Quốc Quân, một nhà hoạt động vì tự do, dân chủ từng bị chính quyền Việt Nam bỏ tù, nhận xét rằng có thể từ góc nhìn từ vị trí của nhà nước, quy định mới là điều “tốt”, nhưng đối với các công dân muốn bày tỏ quan điểm một cách tự do và vẫn cảm thấy an toàn “thì đó là điều không tốt”.
Bình luận về động thái nằm trong kế hoạch của Bộ Thông tin-Truyền thông, luật sư Quân nói với VOA: “Đó là câu chuyện người ta muốn tăng cường kiểm soát toàn bộ xã hội và muốn nhận diện rõ ai làm gì trên mạng xã hội hay môi trường số nói chung”.
Bước đi này của nhà chức trách Việt Nam là do họ đã gặp khó khăn lớn trong việc xác định danh tính của một tài khoản trên mạng xã hội để gắn nó với một con người thực, luật sư Quân nhận định, dẫn ra trường hợp của chính cá nhân ông khi bị công an Việt Nam điều tra trước đây, đồng thời nhắc đến một số trường hợp của các nhà hoạt động.
Nhà bình luận Dương Quốc Chính đưa ra quan sát rằng cơ quan quản lý của Việt Nam muốn nhắm đến “người có tóc”, tức những người có nhiều ảnh hưởng trên mạng, trong khi sẽ không có cách gì để quản lý được những tài khoản được tạo hàng loạt, không có danh tính rõ rằng, thường được gọi là “nick ảo”, “nick clone”.
Ông Chính nói thêm với VOA: “Ở Việt Nam, nó không khả thi đâu. Những ‘ông’ nick clone, ảo, chẳng có gì, trắng trơn thì chẳng có cách gì bắt ép người ta, không có cách gì để truy IP [địa chỉ giao thức internet] được ấy chứ. Nói chung là không khả thi đâu”.
Biện pháp quản lý của Bộ 4T sẽ phát huy tác dụng trong một xã hội văn minh, tôn trọng pháp luật, đồng nghĩa là những người trong giới “dư luận viên”, “lực lượng 47” v.v… cũng sẽ phải định danh, vẫn lời ông Chính.
Ở Việt Nam, các cụm từ “dư luận viên” hay “lực lượng 47” được dùng để nói về những người tỏ ra nhiệt liệt ủng hộ chính quyền Việt Nam, tích cực tuyên truyền cho chính quyền trên mạng xã hội. Tuy nhiên, giới “dư luận viên” và “lực lượng 47” bị nhiều người đánh giá là hay sử dụng nick ảo và lời lẽ thô thiển khi tranh luận trên mạng, theo quan sát của VOA.
Nhà bình luận Dương Quốc Chính dự báo rằng có nhiều khả năng là quy định sắp ra đời về việc định danh tài khoản mạng xã hội sẽ không áp dụng được với các tài khoản của “dư luận viên”, “lực lượng 47”. Ông Chính lý giải:
“Nếu cơ quan chức năng không muốn kiểm soát, họ sẽ nói không kiểm soát được. Họ sẽ nói là không truy được IP của ông này, ông kia. Không muốn truy, người ta sẽ bảo là không truy được. Pháp luật của Việt Nam hay có tình trạng đấy. Tầm phủ của luật thì rộng, như khi xử thật thì người ta lại chọn lọc, tùy từng thành phần”.
“Dư luận viên”, “lực lượng 47” cũng phải định danh và phải dẹp nick ảo, đó là mong muốn của các công dân về sự công bằng, luật sư Lê Quốc Quân nói, nhưng ông cho rằng phía nhà nước sẽ có cách xử lý vấn đề này:
“Nếu nhà nước muốn, họ sẽ tạo ra không phải 100.000 mà thậm chí cả 1 triệu người thực mà nhà nước nắm quyền là chủ. Cho nên nói là đòi hỏi công bằng thì tôi nghĩ là để nhà nước thực thi một cách bài bản, sòng phẳng thì tôi nghĩ khá là ảo tưởng và không thực thi được”.
Nhà nước cần quan tâm đến nội dung được đăng và tính trách nhiệm của những người đăng bài trên mạng xã hội, chứ không phải lấy việc định danh để đàn áp những người nói lên sự thật mà nhà nước không thích, đồng thời vẫn dung túng cho giới “dư luận viên” hoặc người sử dụng nick ảo, luật sư Quân bày tỏ ý kiến với VOA.
VOA cố gắng liên lạc với Bộ Thông tin-Truyền thông để tìm hiểu quan điểm của họ, nhưng không có hồi đáp.