Bộ ngoại giao TQ phủ nhận việc phá hủy nhà thờ Hồi giáo ở Tân Cương

Bộ ngoại giao Trung Quốc bác bỏ những tuyên bố từ một viện nghiên cứu của Úc rằng hàng ngàn nhà thờ Hồi giáo trong vùng Tân Cương ở miền tây Trung Quốc đã bị phá hủy, và nói có hơn 24.000 nhà thờ Hồi giáo ở đó, “nhiều nhà thờ Hồi giáo theo bình quân đầu người hơn nhiều nước Hồi giáo.”

Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) công bố một báo cáo hôm thứ Năm ước tính rằng khoảng 16.000 nhà thờ Hồi giáo ở Tân Cương đã bị phá hủy hoặc làm hư hại do các chính sách của chính phủ, chủ yếu kể từ năm 2017.

Ước tính được đưa ra dựa trên hình ảnh vệ tinh và dựa trên một tập hợp gồm 900 địa điểm tôn giáo trước năm 2017, bao gồm các nhà thờ Hồi giáo, đền thờ và các địa điểm linh thiêng.

“Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch có hệ thống và có chủ đích để viết lại di sản văn hóa của Khu tự trị Uighur Tân Cương... nhằm làm cho những truyền thống văn hóa bản địa đó phải khuất phục ‘quốc gia Trung Hoa,’” báo cáo của ASPI nói.

“Cùng với những nỗ lực cưỡng chế khác nhằm tái thiết đời sống xã hội và văn hóa của người Uighur bằng cách biến đổi hoặc loại bỏ ngôn ngữ, âm nhạc, nhà cửa và thậm chí đồ ăn thức uống của người Uighur, các chính sách của Chính phủ Trung Quốc đang tích cực xóa bỏ và thay đổi các yếu tố chính yếu trong di sản văn hóa vật thể của họ.”

Đáp lại báo cáo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân gọi báo cáo “không có gì ngoài những tin đồn vu khống” trong cuộc họp báo vào ngày thứ Sáu và nói ASPI nhận ngân quỹ của nước ngoài để “hỗ trợ cho họ thêu dệt những lời dối trá chống lại Trung Quốc.”

“Chúng ta nhìn vào các con số, có hơn 24.000 nhà thờ Hồi giáo ở Tân Cương, hơn gấp 10 lần so với ở Mỹ,” ông Uông nói. “Điều đó có nghĩa là cứ 530 người Hồi giáo ở Tân Cương thì có một nhà thờ Hồi giáo, tức là có nhiều nhà thờ Hồi giáo theo bình quân đầu người hơn nhiều nước Hồi giáo.”

Trung Quốc đã bị săm soi về cách nước này đối xử với người Hồi giáo Uighur và những tuyên bố về những vụ việc bị cho là lao động cưỡng bức ở Tân Cương, nơi mà Liên Hiệp Quốc trích dẫn các báo cáo đáng tin cậy cho biết một triệu người Hồi giáo bị giam giữ trong các trại đã bị bắt phải làm việc.

Trung Quốc phủ nhận ngược đãi người Uighur và nói rằng các trại này là các trung tâm đào tạo nghề cần thiết để ứng phó với chủ nghĩa cực đoan.