Bộ Kế hoạch-Đầu tư ‘sẽ’ tìm đối sách cho việc ‘nước ngoài’ thâu tóm đất Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Trả lời báo chí trong nước về tình trạng người Trung Quốc lợi dụng kẽ hở pháp lý để thâu tóm đất đai ở Việt Nam, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói hôm 25/5 rằng bộ của ông sẽ tìm cách khắc phục vấn đề này.

Như tin đã đưa, trong một báo cáo mới đây gửi tới Quốc hội để trả lời cử tri, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho hay người Trung Quốc đang nắm trong tay hơn 162.000 hectare đất của Việt Nam, trong đó có những nơi trọng yếu thuộc vùng “biên giới” hoặc “ven biển”. Con số này lớn bằng diện tích của một tỉnh như Hải Dương, hay Nam Định, hoặc Hậu Giang.

Theo Bộ Quốc phòng, các cá nhân và doanh nghiệp Trung Quốc, hoặc “có yếu tố sở hữu Trung Quốc”, đã “núp bóng” một số công dân hay doanh nghiệp Việt Nam để sở hữu hoặc thuê đất với diện tích lớn như kể trên.

Tính đến tháng 11/2019, có 149 doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc hoặc liên doanh với Trung Quốc đầu tư vào các dự án ở khu vực biên giới hoặc ven biển thuộc 22 tỉnh của Việt Nam. Tình trạng người Trung Quốc “tập trung sở hữu đất đai” nổi bật lên ở các tỉnh, thành là Đà Nẵng, Quảng Ninh và Hải Phòng, Bộ Quốc phòng nói.

Việt Nam rất muốn mở rộng các điều kiện đầu tư nước ngoài, nhưng một mặt khác lại vẫn cứ e ngại nếu ‘nước ngoài’ đó là Trung Quốc thì lại là câu chuyện có gì đấy không ổn.
Giáo sư Đặng Hùng Võ


Về tình trạng được gọi chung là “nhà đầu tư nước ngoài ‘núp bóng’ để thâu tóm đất đai”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu hôm 25/5 bên lề Quốc hội rằng vấn đề này “chưa được luật hoá” trong Dự thảo Luật Đầu tư được trình Quốc hội kỳ này, vì luật “phải đảm bảo sự công bằng giữa các đối tác đầu tư”, theo tin trên Lao Động và Thanh Tra.

Hai tờ báo trích lời Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh rằng “luật không phân biệt đối xử người này với người kia, nước này với nước kia”.

Tuy nhiên, vẫn Lao Động và Thanh Tra dẫn lời ông Dũng cho biết bộ của ông “sẽ nghiên cứu tình huống này, trình cấp có thẩm quyền ban hành chỉ thị riêng về vấn đề người nước ngoài ‘núp bóng’ đầu tư để thâu tóm đất đai”.

“Nhà nước sẽ dùng các công cụ khác nhau để quản lý chặt chẽ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói, nhưng không đưa ra các chi tiết, theo các bản tin trong nước.

Cựu Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, giáo sư Đặng Hùng Võ nói với VOA rằng Việt Nam muốn có chính sách cởi mở hơn đối với đầu tư nước ngoài, song mối lo về người Trung Quốc lại gây khó cho Việt Nam:

“Việt Nam rất muốn mở rộng các điều kiện đầu tư nước ngoài, nhưng một mặt khác lại vẫn cứ e ngại nếu ‘nước ngoài’ đó là Trung Quốc thì lại là câu chuyện có gì đấy không ổn”.

... nếu người ta đội lốt của một người Việt Nam, thì thực sự cách giải quyết tốt nhất là đừng có người Việt Nam nào làm chuyện ý [tiếp tay cho Trung Quốc]. Tìm giải pháp kỹ thuật nào đấy, thì tôi nghĩ cũng rất khó.
Giáo sư Đặng Hùng Võ


Cựu quan chức am hiểu về quản lý đất đai cảnh báo rằng các nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng, của chính quyền nói chung nhằm ngăn chặn người Trung Quốc thâu tóm đất đai Việt Nam có thể sẽ rất nan giải. Ông Đặng Hùng Võ nói với VOA:

“Tôi cũng đã nghĩ rất nhiều và tôi cho rằng khó xử lý. Bởi vì nếu người ta đội lốt của một người Việt Nam, thì thực sự cách giải quyết tốt nhất là đừng có người Việt Nam nào làm chuyện ý [tiếp tay cho Trung Quốc]. Tìm giải pháp kỹ thuật nào đấy, thì tôi nghĩ cũng rất khó. Thế thì chỉ có mỗi một cái tôi nghĩ đến cùng là người Việt Nam đừng ai làm chuyện này”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, tin của Lao Động và Thanh Tra cho biết Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh hôm 25/5 rằng Luật Đất đai của Việt Nam “chặt chẽ” và không cho phép cấp quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp nước ngoài.

Dường như có hàm ý rằng bộ của ông vô can, Bộ trưởng Trần Hồng Hà lưu ý rằng các doanh nghiệp, nhà đầu tư chịu sự chi phối của các luật đầu tư và nhà ở.