Bộ Kế hoạch-Đầu tư Việt Nam bất đồng với hai bộ khác về đề án đường sắt tốc độ cao

Tàu tốc độ cao Shinkansen của Nhật. Chưa rõ Việt Nam sẽ chọn công nghệ của nước nào.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam vừa đưa ra đánh giá “không khả thi” đối với cả 3 phương án xây đường sắt tốc độ cao do Bộ Giao thông và Vận tải đề xuất, trong đó 1 phương án được Bộ Xây dựng ủng hộ, theo tin của các báo Việt Nam hôm 30/11.

Cách đây 2 ngày, theo tin của Thanh Niên và một số báo khác, Bộ Giao thông và Vận tải (GTVT) trình chính phủ đề án xây đường sắt tốc độ cao, trong đó nêu ra 3 sự lựa chọn.

Phương án số 1 đề nghị chi hơn 67 tỷ đô la xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, dài 1.545 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, chỉ để chạy tàu chở khách. Tuyến đường sắt Bắc-Nam hiện tại sẽ được nâng cấp để chở hàng.

Tiếp đến là ý tưởng xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc-Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, phục vụ cả tàu chở khách lẫn tàu chở hàng, tốc độ thiết kế 200-250 km/h, tốc độ tối đa để chạy tàu hàng là 120 km/h. Nếu chọn kịch bản này sẽ cần số vốn đầu tư khoảng 72 tỷ đô la.

Cuối cùng là phương án 3, cần đến xấp xỉ 69 tỷ đô la để xây tuyến đường sắt Bắc-Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, chủ yếu để tàu chở khách chạy và dự phòng cho tàu chở hàng khi có nhu cầu. Trong trường hợp đầu tư luôn để khai thác tàu hàng chạy Bắc-Nam, vốn đầu tư cho phương án sẽ là gần 72 tỷ đô la.

Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính và một số báo khác cho hay phương án 3 đã nhận được sự tán đồng từ Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, các bản tin hôm 30/11 trên VNExpress, VTC News và các trang tin khác nói rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đưa ra đánh giá “không khả thi” khi góp ý chính thức về đề án của Bộ GTVT.

Bộ KHĐT cho rằng phương án 1 không đáp ứng các yêu cầu của chính phủ và Bộ Chính trị thuộc Đảng Cộng sản, phương án 2 không đúng với kiến nghị của Hội đồng Thẩm định Nhà nước, còn phương án 3 vừa không đáp ứng được yêu cầu vừa bất hợp lý về số tiền đầu tư.

Vẫn bộ này bình luận thêm rằng "Liên hệ thực tiễn với kinh nghiệm quốc tế thì hiện nay trên thế giới chưa có tuyến đường sắt tốc độ cao nào có tốc độ thiết kế 350 km/h có thể vận tải hỗn hợp hành khách và hàng hóa", theo trích dẫn trên VTC News và một số trang tin.

Đánh giá của Bộ KHĐT có sự cộng hưởng với quan điểm của một loạt các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu về đường sắt, theo quan sát của VOA.

Họ - cũng là thành viên của các hội khoa học kỹ thuật thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) - đã nêu ý kiến bằng văn bản gửi tới Tạp chí Kinh tế Việt Nam, tức VnEconomy.

Văn bản có đoạn: “Thế giới có đường sắt tốc độ cao chuyên dùng cho chở khách, tốc độ đạt tới 350 km/h với tải trọng trục 17 tấn nhưng không ở đâu trên thế giới có đường sắt tốc độ cao khai thác hỗn hợp cả tàu khách và tàu hàng với tải trọng trục 22,5 tấn mà tốc độ các đoàn tàu khách lại trên 300 km/h. Lý do là bởi không đảm bảo được năng lực thông qua và an toàn chạy tàu”.

Các nhà khoa học và chuyên gia này tiếp đó lên tiếng cảnh báo: “Vì vậy, nếu chủ trương thực thi theo kịch bản 350 km/h, chạy tàu hỗn hợp nêu trên sẽ là một cuộc thử nghiệm hết sức tốn kém, đầy rủi ro và nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế của đất nước”.