Bộ Công Thương VN đề xuất tiếp tục tăng giá điện trong năm nay vì EVN vẫn lỗ nặng

Một phần hệ thống điện ở tỉnh Ninh Bình, Việt Nam (ảnh tư liệu, 2007, AP Photo/Chitose Suzuki).

Một thứ trưởng Bộ Công Thương của Việt Nam mới đây kiến nghị cần tiếp tục tăng giá điện trong năm 2024 sau khi đã có 2 lần tăng giá hồi năm ngoái, báo chí Việt Nam đưa tin hôm 26 và 27/1.

VnExpress, Tiền Phong và một số báo cho biết đề xuất trên được nữ Thứ trưởng Phan Thị Thắng nêu ra trong một cuộc họp của Ban chỉ đạo giá hồi đầu tuần này.

Việc tăng giá điện lại được đặt ra sau khi tập đoàn nhà nước EVN nắm hầu hết hệ thống truyền tải bị lỗ gần 38.000 tỷ đồng trong hai năm 2022 và 2023, bên cạnh đó, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 7,5%, lên gần 2.093 đồng/kWh trong năm ngoái.

Bà Thắng được báo chí trích dẫn lời nói trong cuộc họp rằng cần xem xét điều chỉnh giá điện để đảm bảo phản ánh biến động của các thông số đầu vào của giá điện, đồng thời để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nguồn thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.

Cũng tham gia cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói rằng đối với việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu, bao gồm cả giá điện, các bộ, ngành phải chuẩn bị tốt và sớm về các phương án và lộ trình điều chỉnh giá để tránh bị động.

Ông Khái nói thêm rằng “Thời điểm điều chỉnh cần tính toán phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát”, VnExpress, Tiền Phong và một số báo thuật lại.

Hồi đầu năm nay, trong một cuộc họp của EVN, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh đã nhận định rằng nếu không tăng giá điện trong năm, sẽ không giải quyết được khoản lỗ 17.000 tỷ đồng trong năm 2023 của tập đoàn này, theo Tiền Phong.

Các báo cáo tài chính của EVN cho thấy vào năm ngoái, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần nhưng vẫn không đủ bù đắp cho chi phí sản xuất điện và EVN tiếp tục bị lỗ trong sản xuất, kinh doanh điện năm thứ hai liên tiếp.

Giải trình với Bộ Công thương bằng văn bản, tổng giám đốc của EVN viết rằng lỗ xảy ra chủ yếu do giá bán ra của EVN vẫn thấp hơn giá thành. Tập đoàn này tính toán rằng cứ mỗi kWh bán ra, họ chịu lỗ 142,5 đồng.

Một số chuyên gia được VnExpress và Tiền Phong trích lời nói rằng việc tăng giá điện sẽ khiến một số doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều điện và một bộ phận người dân sẽ gặp khó khăn, nhà nước phải tính toán liều lượng và thời điểm điều chỉnh phù hợp để cân bằng lợi ích cả ba bên gồm doanh nghiệp, người dân và nhà nước.