Bộ Công an cho biết Luật An ninh mạng mới được thông qua hồi tháng 6 không kiểm soát và làm lộ thông tin người dùng giữa lúc có những lo ngại luật này sẽ theo dõi hoạt động công dân trên mạng và thông tin cá nhân sẽ không được giữ kín.
Bộ Công an, cơ quan ban hành bộ luật gây tranh cãi trong nhiều tháng qua, khẳng định luật sẽ không dẫn tới những hệ quả nói trên trong một văn bản trả lời thắc mắc của người dân được đăng trên cổng thông tin điện tử của bộ.
Luật An ninh mạng được cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký ban hành hồi tháng 6 bất chấp những phản đối của người dân. Nhiều cuộc biểu tình trong và ngoài nước đã nổ ra khi người dân cho rằng luật mới, dự kiến có hiệu lực ngày 1/1/2019, sẽ là công cụ để nhà cầm quyền thắt chặt tự do ngôn luận trên mạng, nhất là mạng xã hội.
Với quy định yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet “phải xác thực thông tin người dùng và cung cấp cho lực lược chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an” khi có yêu cầu, nhiều người dùng internet và mạng xã hội đã lo ngại rằng thông tin cá nhân của họ sẽ không còn được giữ kín.
XEM THÊM: Ân Xá Quốc Tế kêu gọi VN tôn trọng nhân quyền trong Luật An ninh mạngTuy nhiên, Bộ Công an cho biết luật quy định “chỉ khi phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng” thì luật mới yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin cá nhân có liên quan tới hành vi vi phạm pháp luật đó. Bộ khẳng định lực lược chuyên trách bảo vệ an ninh mạng chỉ được phép tiếp cận thông tin cá nhân của người sử dụng có hoạt động vi phạm pháp luật với “trình tự, thủ tục nghiêm ngặt (bằng văn bản), được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.”
“Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng nếu lạm dụng, làm lộ thông tin cá nhân của người sử dụng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật,” theo phần trả lời thắc mắc của người dân liên quan đến Luật An ninh mạng hôm 30/10.
Trước những lo ngại của người dùng internet và mạng xã hội về việc bị kiểm soát dưới các quy định của luật mới, Bộ Công an nói luật này không cấm người dân truy cập Facebook, Google, Youtube.
“Người dân Việt Nam vẫn được tự do truy cập vào các trang mạng này hay bất kỳ trang mạng xã hội nào khác ở trong và ngoài nước,” theo Bộ Công an.
Tuy nhiên, Luật An ninh mạng quy định rằng những người dùng mạng xã hội như Facebook, Google, hoặc bất kỳ mạng xã hội nào khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo pháp luật của Việt Nam.
Bộ Công an cho rằng không gian mạng còn bị các “thế lực thù địch, phản động sử dụng để phát tán thông tin kêu gọi biểu tình, tụ tập trái phép phá rối an ninh trật tự, kích động bạo loạn, khủng bố, lật đổ chính quyền nhân dân, xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia.”
Theo anh Nguyễn Chí Tuyến, một người dùng mạng xã hội và nhà hoạt động dân chủ trong nước, việc có những thông tin sai lệch trên mạng là một thực tế trong thời đại bùng nổ thông tin trên internet. Tuy nhiên ông Tuyến không đồng ý với nhận định của Bộ Công an về việc dùng mạng để “phát tán thông tin kêu gọi biểu tình.”
“Biểu tình là quyền của công dân và ngay cả trong hiến pháp Việt Nam có quy định. Nếu như họ chỉ dùng Luật An ninh mạng để dập tắt hay đập tan tất cả những quyền biểu tình của người công dân hoặc những quyền khác như quyền tự do ngôn luận hay bàn luận về các chính sách của nhà nước hay những phát biểu của các quan chức trong bộ máy nhà nước, hay họ lèo lái dư luận, kiểm soát thông tin với cách mà từ xưa đến nay họ vẫn toàn quyền trong việc truyền thông tin đi thì điều đó tôi không đồng ý và phản đối.”
Việt Nam hiện chưa có Luật Biểu tình. Việc soạn thảo bộ luật này lần đầu được đề cập tại Quốc hội vào năm 2011. Từ đó đến nay, dù nhiều lần đại biểu quốc hội chất vấn chính phủ, chưa bao giờ một dự luật như vậy được giới thiệu và bàn thảo các điều khoản. Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang hồi tháng 6 năm nay từng nói “cần có luật biểu tình” nhưng những thông tin về phát ngôn này của ông sau đó bị gỡ bỏ khỏi các trang mạng do nhà nước kiểm duyệt.
Mặc dù có những phát triển về kinh tế nhưng Đảng Cộng sản hiện đang cầm quyền ở Việt Nam vẫn duy trì việc kiểm soát chặt chẽ các thông tin mà họ gọi là “tin vu khống, xuyên tạc” hay “xấu, độc.”
Bộ trưởng Công an Tô Lâm hôm 1/11 cho các thành viên Quốc hội biết rằng bộ đã “yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ngăn chặn truy cập từ trong nước với gần 3.000 trang mạng có nội dung xấu độc” và “yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài hợp tác xử lý cá thông tin vi phạm pháp luật ở Việt Nam.”
Ông Lâm nói trong một phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội khóa 14 đang diễn ra ở Hà Nội rằng Bộ Công an đang phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng các văn bản thi hành Luật An ninh mạng để “xử lý hành vi vu khống trên không gian mạng.”
Do vậy, việc ban hành Luật An ninh mạng là “rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu cấp thiết về bảo vệ an ninh mạng trong tình hình hiện nay,” theo Bộ Công an.