Blogger Trương Duy Nhất 'muốn các nhân sỹ, trí thức dự phiên xử'

Blogger Trương Duy Nhất bị bắt giữ hồi giữa năm ngoái vì ‘vi phạm pháp luật theo điều 258 Bộ luật Hình sự Việt Nam’. (TDN Facebook)

Ông Trần Vũ Hải, luật sư bào chữa cho ông Trương Duy Nhất, đã cho VOA Việt Ngữ biết như vậy trước phiên xử người lập trang blog ‘Một góc nhìn khác’ vào ngày 4/3 tới ở Đà Nẵng.

Ông Nhất bị bắt giữ hồi giữa năm ngoái vì ‘vi phạm pháp luật theo điều 258 Bộ luật Hình sự Việt Nam’.

Người sẽ bào chữa cho blogger có tiếng nói trái chiều với nhà nước cho hay hiện ông Nhất ‘vẫn rất bình tĩnh, sức khỏe tốt, tinh thần tốt và ông cũng rất mong được ra phiên tòa để trình bày quan điểm của mình’.

Khi được hỏi ông Nhất có mong muốn gì trước phiên tòa, ông Hải nói:

“Ông chỉ mong được các nhà báo, trong và ngoài nước cũng như các nhân sỹ trí thức đến dự phiên tòa để xem tòa án Việt Nam xét xử như thế nào cũng như ông ấy và luật sư của ông ấy sẽ bào chữa và tự bào chữa ra làm sao, để xem ông ấy thực sự có tội hay không hay chỉ là những quan điểm của ông, thể hiện quyền tự do ngôn luận”.

Theo luật sư có văn phòng tại Hà Nội, người thân của ông Nhất hiện ‘tin tưởng và ủng hộ tinh thần’ của ông Nhất với quan điểm ‘việc ông làm, ông phải chịu trách nhiệm, đó là quyền của ông’.

Ông Hải cho biết đã gửi các kiến nghị lên tòa, và ‘tòa có thể tham khảo, xem xét trước’. Luật sư của ông Nhất từ chối tiết lộ nội dung vì ‘không muốn ảnh hưởng tới phiên xử và để cho tòa độc lập xét xử’.

Báo chí do nhà nước kiểm soát ở Việt Nam từng nói rằng ông Nhất đã ‘tự bẻ cong ngòi bút của mình, lợi dụng quyền tự do báo chí để viết và đăng tải những bài viết, bài bình luận có những thông tin sai lệch, xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước’.

Về cáo buộc này, luật sư Hải nói:

“Nếu mà nói chỉ trích nhà nước, thì theo tôi, đó là một quan điểm sai. Ông ấy cho rằng ông ấy dùng quyền của một công dân bình thường, quyền tự do ngôn luận, có quyền phê phán nhà nước, kể cả lãnh đạo. Hiến pháp Việt Nam đã quy định rồi, rằng nhân nhân có quyền giám sát đảng, nhà nước. Thì một trong việc giám sát chính là đánh giá, xem xét, phê phán nhà nước để mang tính chất xây dựng”.


Điều 258 Bộ luật Hình sự về tội ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân’ có khung hình phạt từ 2 tới 7 năm tù.

Hà Nội từng dẫn số người dùng Internet lên tới hàng chục triệu người làm bằng chứng cho quyền tự do sử dụng mạng của người dân.

Nhưng Việt Nam nhiều năm qua đã bị tổ chức Phóng viên Không biên giới liệt vào danh sách các nước là ‘kẻ thù của mạng Internet’.