Tuần nào ở Seoul, người biểu tình cũng tụ tập trước Đại sứ quán Nhật Bản để đòi Tokyo xin lỗi và bồi thường cho hàng ngàn phụ nữ Nam Triều Tiên bị buộc hành nghề mại dâm trong Thế chiến thứ hai. Mặc dầu năm nay đánh dấu 70 năm kết thúc cuộc chiến, những người biểu tình này vẫn góp phần gây sống động cho vấn đề an úy phụ và khiến cho Nhật Bản khó lòng quên đi các hành vi tàn ác trong thời chiến. Từ Seoul, thông tín viên VOA Brian Padden gửi về bài tường thuật.
Chỉ có một vài phụ nữ cao tuổi Nam Triều Tiên từng bị buộc làm nô lệ tình dục trong thời kỳ Thế chiến thứ hai còn sống sót. Nhưng các cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul đang thu hút thêm những người trẻ, như cô Kwon Oh-ryung, 16 tuổi, là người rất hăng hái khi nói tới vấn đề này.
Cô Kwon nói: “Người Nhật đã phạm một tội ác tày trời đối với chúng tôi, chúng tôi không thể chấp nhận được. Chúng tôi không thể chịu đựng được.”
Theo ước tính, có hơn 200.000 phụ nữ khắp Châu Á đã bị buộc trở thành an úy phụ cho những binh sĩ Nhật chiếm đóng các nước ở Châu Á.
Người tổ chức biểu tình Yoon Mi-hyang, thuộc Hội đồng Triều Tiên Tranh đấu cho Phụ nữ bị Nhật Bản bắt làm nô lệ tình dục cho quân đội, nói rằng họ đã biểu tình trong một phần tư thế kỷ.
Cô Yoon cho biết: “Lý do chúng tôi đứng ở đây cho đến giờ này là chính phủ Nhật Bản vẫn chưa nhận tội và chưa đưa ra lời xin lỗi chính thức và bồi thường hợp pháp như yêu cầu của các nạn nhân.”
Vấn đề an úy phụ đã gây tranh luận nhiều hơn kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có lời lẽ tỏ ra kém phần hối hận đối với quá khứ quân phiệt của Nhật Bản. Việc năm ngoái ông đi thăm một ngôi đền tử sĩ có tên của các tội phạm chiến tranh đã gây phẫn nộ ở các nước láng giềng.
Ông Abe cũng làm phật lòng Trung Quốc, Nam Triều Tiên và các nước Châu Á khác qua việc nêu nghi vấn đối với những lời xin lỗi trước đây của Nhật về an úy phụ. Một số đồng minh bảo thủ của ông đã gợi ý rằng không phải tất cả các phụ nữ đó đều bị buộc vào nghề mại dâm.
Gần đây hơn, Nam Triều Tiên lại chỉ trích chuyến thăm Jerusalem của ông Abe, trong đó ông đến thăm một đài tưởng niệm các nạn nhân của tội ác chiến tranh Đức, và nói rằng ông sẽ được mọi người chú tâm khi ông đề cập đến vấn đề tội ác của Nhật Bản.
Thủ tướng Abe gợi ý rằng khi ông đưa ra tuyên bố riêng của ông vào tháng 8 nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ hai, ông có thể sửa đổi tuyên bố của cựu thủ tướng Tomiichi Murayama, trong đó nhà lãnh đạo Nhật đưa ra lời xin lỗi chung chung về những thiệt hại và đau khổ trong thời chiến.
Ông Abe nói: “Trong lúc 70 năm đã trôi qua kể từ khi kết thúc thế chiến thứ hai, nội các Abe sẽ suy ngẫm về những gì chúng tôi đã làm sai trong cuộc chiến tranh đó và chúng tôi cũng suy gẫm về những tiến bộ của chúng tôi trong tư cách là một quốc gia yêu chuộng hoà bình.”
Tại cuộc biểu tình ở Nam Triều Tiên, một chiếc ghế trống được dành cho một nạn nhân an úy phụ vừa qua đời. Cô Yoon Mi-hyang nói thế hệ người biểu tình mới này sẽ không để cho cảm giác bất mãn của Triều Tiên tan biến sau khi tất cả những người sống sót không còn có mặt trên đời.
Cô Yoon nói: “Mục đích của những hoạt động của chúng tôi là không để cho một sự kiện bi thảm như vấn đề an úy phụ xảy ra một lần nữa, và đó cũng chính là điều mà các nạn nhân mong muốn.”
Người biểu tình cho biết họ sẽ không quên và sẽ không tha thứ cho đến khi nào Nhật Bản tạ lỗi và bồi thường.