Hàng trăm ngàn người đã tham gia những cuộc biểu tình trên toàn thế giới hôm Chủ nhật kêu gọi thông qua những biện pháp kiểm soát môi trường toàn cầu, trong khi những nhà lãnh đạo thế giới tề tựu về Paris chuẩn bị dự phiên khai mạc hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc vào ngày thứ Hai.
Những người biểu tình nắm tay nhau ở trung tâm thủ đô nước Pháp trong bối cảnh an ninh được thắt chặt sau những vụ tấn công khủng bố của Nhà nước Hồi giáo hai tuần trước làm thiệt mạng 130 người. Nhưng những cuộc biểu tình ôn hòa biến thành bạo lực, và cảnh sát xịt hơi cay vào một số người biểu tình. Hơn 200 người biểu tình đã bị bắt giữ.
Với việc nhà chức trách Pháp cấm những cuộc tuần hành, những người biểu tình, trong đó có Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, để lại khoảng 20.000 đôi giày trên mặt đất tại Quảng trưởng Cộng hòa. Ban tổ chức biểu tình cho biết tổng cộng những đôi giày nặng bốn tấn và có một đôi do Vatican gửi thay mặt Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Hơn 2.000 cuộc biểu tình đã diễn ra hoặc đã được lên lịch ở những nơi khác hôm Chủ nhật, bao gồm ở Perth, Úc; Berlin, London, Sao Paulo và New York.
Khoảng 150 nhà lãnh đạo thế giới sẽ dự phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngay cả trước khi những nhà lãnh đạo thế giới đến nơi, các nhà đàm phán đã bắt đầu thương thuyết vào cuối Chủ nhật.
Mục tiêu của hội nghị là hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu trung bình tới mức 2 độ C, có lẽ ít hơn, so với mức tiền Cách mạng Công nghiệp, bằng cách hạn chế lượng phát thải nhiên liệu hóa thạch bị cho là gây nên tình trạng biến đổi khí hậu. Chỉ trong năm nay, cơ quan thời tiết của Liên Hiệp Quốc cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng lên 1 độ C, bằng phân nửa giới hạn mà Liên Hiệp Quốc đang tìm cách áp đặt.
Trong khi ông Obama chuẩn bị lên đường đi Paris hôm Chủ nhật, ông nói sự lãnh đạo của Mỹ đang "giúp xúc tiến" nỗ lực hướng tới cắt giảm phát thải khí nhà kính và rằng ông lạc quan "về những gì chúng ta có thể đạt được" tại hội nghị Paris.
"Những doanh nghiệp và người lao động của chúng ta đã cho thấy có thể đạt được tiến bộ hướng tới một tương lai carbon thấp trong khi vẫn tạo ra công ăn việc làm mới và phát triển nền kinh tế," ông Obama viết trên Facebook.
Nhưng việc thông qua những biện pháp kiểm soát bắt buộc trên toàn thế giới hãy còn chưa chắc chắn tại hội nghị Paris. Một nỗ lực tại Copenhagen vào năm 2009 nhằm soạn thảo một thỏa thuận toàn cầu đã thất bại tại một hội nghị thượng đỉnh, với những chia rẽ giữa các nước giàu và nước nghèo.
Tổng thống Pháp François Hollande đã cảnh báo về những trở ngại cho hội nghị thượng đỉnh gồm 195 quốc gia trong việc đạt được một thỏa thuận có tính bắt buộc tại Paris, bao gồm tính hợp pháp của bất kỳ hiệp định nào, tài trợ cho những nước nghèo hơn và giám sát cam kết của các nước hạn chế phát thải khí nhà kính. Tính tới năm nay, 183 quốc gia đã công bố những kế hoạch dài hạn để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nhưng các cuộc đàm phán dự kiến sẽ khó khăn tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài đến ngày 11 tháng 12.
Pháp nói rằng khoảng 2.800 cảnh sát và binh sĩ đang bảo vệ địa điểm hội nghị Le Bourget, và 6.300 người khác sẽ triển khai khắp Paris. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết gần 1.000 người được cho là đề ra những rủi ro an ninh đã bị từ chối nhập cảnh Pháp.