Hàng trăm học sinh sinh viên ở Hong Kong hôm 10/9 tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình bao gồm bãi khóa và nắm tay thành hàng dài khi năm học mới bắt đầu, trong bối cảnh các cuộc biểu tình rầm rộ suốt mùa hè trên đường phố giờ lan ra các trường học ở lãnh thổ bán tự trị này của Trung Quốc.
Hàng triệu người đã đổ ra đường ở Hong Kong kể từ tháng 6 để biểu tình phản đối một dự luật dẫn độ mà có thể cho phép nhà chức trách chuyển nghi phạm sang Trung Quốc đại lục để xét xử. Người biểu tình nói dự luật này làm xói mòn tính độc lập của hệ thống tư pháp Hong Kong và cũng cáo buộc Bắc Kinh đang dần làm suy yếu các quyền tự do và dân chủ của thành phố Hong Kong.
Sau nhiều tháng từ chối nhượng bộ, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam tuần trước loan báo rút lại toàn bộ dự luật gây tranh cãi, nhưng người biểu tình xem hành động của bà là quá ít ỏi và muộn màng.
Hàng trăm học sinh mặc đồng phục và đeo khẩu trang đã nắm tay xếp thành hàng dài bên ngoài các trường học ở Hong Kong. Họ kêu gọi chính quyền giữ lời hứa bảo đảm tự do, dân chủ và nền pháp trị như khi Anh trao trả cựu thuộc địa này về cho Trung Quốc quản lí vào năm 1997.
Họ cũng kêu gọi bà Lam thực hiện 5 đòi hỏi mà họ đưa ra, một trong số này là rút lại dự luật dẫn độ. Những đòi hỏi khác bao gồm rút lại từ “bạo loạn” mà chính phủ dùng để mô tả các cuộc biểu tình, phóng thích tất cả những người bị bắt và cho người dân quyền được bầu chọn lãnh đạo của mình.
Keith Fong Chung-yin, chủ tịch hội sinh viên Đại học Baptist Hong Kong, nơi 150 người tham gia một cuộc bãi khóa kéo dài một giờ đồng hồ, cảnh báo sẽ tổ chức một cuộc biểu tình rầm rộ khác với các sinh viên đại học khác nếu tới thứ Sáu này chính phủ không đáp ứng cả 5 đòi hỏi, theo báo The South China Morning Post ở Hong Kong.
Từ đường phố tới lớp học
Các cuộc bãi khóa đã nổ ra ở một số trường trung học và đại học kể từ khi năm học mới bắt đầu. Nhưng tờ Post tuần trước đưa tin có ít học sinh tham gia bãi khóa vì lo sợ bị nhà trường kỉ luật.
Trong một bản tin ngày 6 tháng 9, báo này dẫn lời hiệu trưởng Trường Trung học Christian Alliance, Ng Sing-chin, cho biết 20 trong số 700 học sinh của trường nghỉ học vào ngày 2 tháng 9 và sang ngày hôm sau chỉ còn tám em. Không có em nào bỏ học kể từ ngày 4 tháng 9.
“Thảo luận về chính trị được cho phép trong khuôn viên nhà trường, nhưng quảng cáo chính trị thì không,” ông Ng nói. “Nhà trường không cho phép học sinh bãi khóa vì các em vẫn còn trong độ tuổi vị thành niên, nhưng các em sẽ được đánh dấu là hiện diện miễn là các em cung cấp một bức thư của cha mẹ.”
Dù vậy học sinh vẫn tìm cách biểu tình dưới những hình thức khác.
Một video gây sốt vào tuần trước cho thấy học sinh của một trường đang hát “Do you hear the people sing?” – bài hát cổ động biểu tình trong vở nhạc kịch “Les Misérables” – lấn át quốc ca của Trung Quốc trong khi các giáo viên nhìn theo không biết nên làm gì.
Những học sinh khác tổ chức tọa kháng và tạo nên “Bức tường Lennon” dán đầy những mẩu giấy ghi chú trong lớp học.
Ty Giáo dục Hong Kong hồi cuối tháng 8 phát đi những chỉ dẫn chính thức nói rằng nhà chức trách sẽ thu thập số lượng học sinh vắng mặt, thông tin chi tiết về bất cứ giáo viên nào tham gia các buổi bãi khóa.
“Không ai được phép dùng trường học để làm nền tảng bày tỏ quan điểm chính trị của mình,” Ty trưởng Kevin Yeung Yun-Hung nói trong một thư ngỏ gửi cho cha mẹ học sinh trước khi học kì bắt đầu, theo AFP.
“Và chúng ta không bao giờ cho phép trẻ vị thành niên dính dáng vào chính trị để tránh khơi dậy cảm xúc tạo áp lực gây tổn hại cho sự hài hòa trong trường học.”
Sự bền bỉ và sức ảnh hưởng của các cuộc cuộc biểu tình mùa hè, kéo dài từ đường phố đến trường học, nêu bật vai trò của lực lượng chủ chốt dẫn dắt phong trào này - những người trẻ tuổi.
Một cuộc khảo sát những người tham gia biểu tình tại 12 cuộc biểu tình phản kháng khác nhau ghi nhận tổng cộng 6.688 phản hồi cho thấy phần những lớn người biểu tình ở độ tuổi từ 20 đến 29 và đã hoàn thành giáo dục đại học. Khắp các cuộc biểu tình khác nhau, tỉ lệ người tham gia có trình độ đại học dao động từ 68,2 phần trăm đến hơn 80 phần trăm.
Chấp nhận bạo lực
Có những chỉ dấu cho thấy những người trẻ tuổi có thể có thái độ dung chấp hơn đối với những hành động có khuynh hướng bạo lực của một số người biểu tình trong những cuộc biểu tình gần đây.
Các bến tàu điện ngầm đã mở cửa trở lại sau khi đóng cửa hôm Chủ nhật giữa những cuộc đụng độ đôi khi bạo động, Reuters đưa tin.
Những người biểu tình đốt lửa trên đường và phá hoại một bến tàu điện ngầm ở khu thương mại Trung Hoàn hôm Chủ nhật sau khi hàng ngàn người tụ tập ôn hòa tại lãnh sự quán Mỹ, kêu gọi giúp đem tới dân chủ cho đặc khu hành chính này.
Dù có những chỉ trích nhắm vào tình trạng bạo lực gia tăng, một số học sinh nói họ hiểu được vì sao như vậy.
“Chúng ta không thể đổ lỗi cho những người biểu tình cực đoan về việc sử dụng bạo lực nếu chính phủ không lắng nghe ngay cả khi một triệu rồi hai triệu người tụ tập một cách ôn hòa bình. Nếu không nhờ những người cực đoan, tôi không nghĩ bà Lam sẽ chính thức rút lại dự luật. Tôi không lên án bạo lực,” Calvin Lam Hei-chuk, 22 tuổi, nhân viên phúc lợi của hội sinh viên Đại học Baptist Hong Kong, nói với báo The South China Morning Post.
Fong, chủ tịch hội sinh viên, nói: “Tôi không nghĩ rằng những người biểu tình đang sử dụng bạo lực. Từ bạo lực có nghĩa là những kẻ bạo loạn tấn công người dân hoặc cửa hàng mà không vì mục đích nào ngoài việc thể hiện sự tức giận của họ.”
"Người Hong Kong đã biểu tình ôn hòa trong hơn 20 năm qua nhưng chúng tôi không được gì cả. Bây giờ những người biểu tình có xu hướng hung hăng hơn để khiến chính phủ lắng nghe tiếng nói của họ.”
Nhưng Edwin Chow, 19 tuổi, sinh viên ngành chính quyền và nghiên cứu quốc tế, người đã bãi khóa toàn bộ vào tuần trước và một phần trong tuần này, muốn nhìn thấy các cuộc biểu tình ôn hòa hơn.
“Tôi không ủng hộ những hành động bạo lực và muốn các cuộc biểu tình ôn hòa hơn, nhưng tôi hiểu tại sao người ta đang trở nên bạo lực hơn – biểu tình ôn hòa chẳng có ích gì cả,” anh nói.