Nghe nói khi đoàn biểu tình chống Trung Quốc đang tuần hành trên các đường phố Hà Nội trong các ngày Chủ nhật tháng 6, 7 và đầu tháng 8 vừa qua, một vài thanh niên lái xe máy đi ngang qua chõ miệng chửi: “Đồ điên!” Đọc trên internet, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp luận điệu tương tự trên một vài blog, ở đó, người ta ví những người biểu tình chống Trung Quốc như những tên Chí Phèo chuyên môn ăn vạ. Cứ mỗi sáng Chủ nhật là lại lăn ra đường ăn vạ.
Tôi nghĩ chúng ta không nên vội chụp mũ những người có quan điểm như thế là tay sai của Trung Quốc. Không nên đồng nhất lòng yêu nước với việc biểu tình cũng như không nên xem việc phản đối biểu tình như bằng chứng của một sự phản bội. Vấn đề ở đây, tôi nghĩ, là cách nhìn: nhiều người yêu nước và lo lắng trước sự uy hiếp cũng như xâm lấn của Trung Quốc nhưng lại không ủng hộ việc biểu tình vì không tin là những cuộc biểu tình như vậy là có ích.
Bởi vậy, thay vì kết tội nhau, trong bài này, tôi muốn phân tích vấn đề: liệu các cuộc biểu tình nói chung và các cuộc biểu tình chống Trung Quốc hiện nay nói riêng có lợi ích gì không?
Cần lưu ý là không phải ở Việt Nam mới có người hoài nghi ý nghĩa của các cuộc biểu tình. Trên thế giới, đây đó cũng không hiếm người bài bác chuyện tụ tập gào thét chống đối ngoài đường phố. Dĩ nhiên, ở đây, chúng ta không đề cập đến quan điểm của giới cầm quyền, vốn tự bản chất, luôn luôn ghét và muốn cấm đoán chuyện biểu tình, bất kể với động cơ hay mục tiêu gì. Chúng ta chỉ chú ý đến ý kiến của các học giả. Mà số đó, ở Tây phương, đặc biệt tại Mỹ, cũng không phải ít. Lập luận của họ có thể được tóm tắt như thế này: Thời của biểu tình đã qua rồi. Biểu tình càng ngày càng kém hiệu quả. Đừng biểu tình làm gì nữa. Vô ích.
Tại sao những người này lại đi đến nhận định như vậy?
Lý do thứ nhất, họ căn cứ vào tình hình chính trị tại Mỹ trong mấy thập niên vừa qua, ở đó, liên quan đến việc biểu tình, có mấy sự kiện nổi bật: Một, so với thời chiến tranh Việt Nam, số lượng người tham gia cũng như tác động đối với dư luận của các cuộc biểu tình giảm hẳn. Rất hiếm, nếu không muốn nói là không có cuộc biểu tình nào quy tụ cả hàng triệu người như trước. Phần lớn các cuộc biểu tình đều nhỏ. Và không để lại tiếng vang gì nhiều. Hai, không có cuộc biểu tình nào làm thay đổi được điều gì cả. Trước khi chiến tranh Iraq bùng nổ, bao nhiêu người xuống đường biểu tình, Tổng thống George W. Bush vẫn không đổi ý. Cuối cùng, bom đạn vẫn nỗ. Và người vẫn chết. Với bao nhiêu chính sách khác cũng vậy. Biểu tình thì mặc biểu tình; giới lãnh đạo vẫn cứ làm theo điều họ đã hoạch định sẵn.
Lý do thứ hai, càng ngày các cuộc biểu tình càng mang hình ảnh rất xấu. Điều này đến chủ yếu từ các cuộc biểu tình chống toàn cầu hóa. Lần nào có cuộc hội nghị giữa lãnh đạo các cường quốc kinh tế cũng đều có biểu tình. Và cuộc biểu tình nào cũng có bạo động. Hình ảnh những người đập phá các cửa tiệm đọc đường phố, ném đá hoặc ném bom lửa vào cảnh sát, gây rối loạn giao thông cũng như trật tự xã hội được chiếu trên các màn ảnh ti vi khiến phần lớn dân chúng ngao ngán. Dần dần người ta đồng nhất những kẻ biểu tình với những phần tử cực đoan và vô chính phủ.
Lý do thứ ba là, theo nhiều người, ở thời đại ngày nay, dân chúng có nhiều cách thức để bày tỏ thái độ và vận động chính trị hiệu quả hơn nhiều, ví dụ: viết bài hoặc thư gửi đăng báo, tạp chí hoặc các blog (có báo và blog có cả triệu người đọc!), vận động các dân biểu và nghị sĩ tại địa phương, tổ chức các cuộc tẩy chay hoặc khởi kiện chính phủ nếu thấy họ vi hiến, v.v... Trong bài “Một, hai, ba, bốn, xin đừng biểu tình nữa” (One, Two, Three, Four, Please Don't Protest Anymore) viết năm 2008, Matt Harrison kêu gọi: “Hãy bỏ các biểu ngữ ‘Bush là tội phạm chiến tranh’ xuống và hãy cầm ngòi bút và trang giấy lên, hỡi các nhà đấu tranh xã hội!”
Những lập luận như vậy, nếu có giá trị, may lắm chỉ có giá trị ở các quốc gia có nền dân chủ lâu đời và bền vững. Riêng ở các quốc gia nghèo và thiếu dân chủ, chúng hoàn toàn vô giá trị. Phải so sánh các cuộc biểu tình tại các quốc gia đó với các cuộc biểu tình ở Mỹ và các quốc gia Tây phương vào thế kỷ 20, lúc biểu tình rõ ràng đã có tác dụng cực lớn trong việc làm thay đổi đời sống chính trị và xã hội. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho các cuộc biểu tình là nhân tố quan trọng trong quá trình tiến hóa của nhân loại. Chính các cuộc biểu tình đã khơi mào hoặc kết thúc các cuộc cách mạng lớn trong lịch sử, từ cách mạng Mỹ đến cách mạng Pháp. Cũng chính các cuộc biểu tình đã mang lại độc lập cho nhiều quốc gia thuộc địa ở châu Phi và châu Á, bao gồm cả Ấn Độ; chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi; dẫn đến việc Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam; mang lại chiến thắng cho các phong trào tranh đấu cho nhân quyền và nữ quyền, cho giới lao động, và nhiều nỗ lực bảo vệ môi trường, v.v...
Bởi vậy, lập luận thứ nhất nêu trên không có giá trị đối với các quốc gia đang trên quá trình dân chủ hóa.
Lập luận thứ hai cũng không thích hợp. Ở các quốc gia độc tài hoặc nửa độc tài, vũ khí và quyền lực nằm trong tay nhà cầm quyền, do đó, thường chỉ có nhà cầm quyền mới bạo động. Riêng ở Việt Nam thì hầu như cuộc biểu tình nào cũng ôn hòa. Bạo động chỉ xuất phát từ công an. Những hình ảnh bạo động nhất liên quan đến các cuộc biểu tình tại Việt Nam đều dính đến công an: lúc thì công an bắt, bóp cổ và vác hay khiêng người đi biểu tình như khiêng/vác lợn, lúc thì công an đạp thẳng vào mặt người dân lúc họ đang bị các công an khác giữ chặt, v.v...
Lập luận thứ ba lại càng không thích hợp. Trong một xã hội hoàn toàn không có tự do ngôn luận và tự do chính trị như tại Việt Nam, mọi cuộc vận động từng chứng minh có nhiều hiệu quả ở Tây phương hoàn toàn vắng mặt. Không có con đường nào cho các cuộc vận động hành lang cả. Không có cách gì để khuấy động lên các cuộc tranh luận tập thể cả. Biểu tình trở thành cách thức duy nhất để lên tiếng.
Đến đây, xin bạn đọc lưu ý đến hai điểm:
Thứ nhất, hầu hết các lập luận cho biểu tình là vô hiệu chỉ xuất hiện từ năm 2010 trở về trước. Từ đầu năm 2011 đến nay, ít nhất là trên báo chí tiếng Anh, tôi không thấy ai lặp lại quan điểm ấy cả. Lý do thật đơn giản: các cuộc biểu tình ở Bắc Phi và Trung Đông, ít nhất là tại Tunisia và Ai Cập vào đầu năm nay, đã chứng minh một cách hùng hồn là chúng có hiệu quả. Hiệu quả lớn lao và vô cùng hiển nhiên. Không có ai có thể hoài nghi hay phủ nhận được.
Thứ hai, như là hệ quả của điều vừa trình bày, ở Việt Nam, biểu tình vẫn là một lựa chọn tối ưu cho những kẻ thấp cổ bé miệng nếu họ muốn tiếng nói của họ được nghe.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.