Biểu tình bám theo Trump ở Scotland, dù lượn bay ngang bày tỏ phản đối

Tổng thống Mỹ Donald Trump chơi golf tại câu lạc bộ golf ở Turnberry, Scotland, ngày 14 tháng 7, 2018.

Từ thủ đô Edinburgh cho đến các khu resort bên bờ biển, hàng ngàn người ở Scotland hôm thứ Bảy đã tổ chức các cuộc biểu tình đầy màu sắc, ôn hòa chống ông Donald Trump khi tổng thống Mỹ đến chơi golf tại một trong những khu nghỉ dưỡng sang trọng thuộc sở hữu của ông.

Ông Trump và vợ, Melania, dành những ngày cuối tuần ở nơi riêng tư tại khu resort đánh golf của ông tại Turnberry, bên bờ biển phía tây của nước Anh, trước hội nghị thượng đỉnh của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki vào ngày thứ Hai.

Trên bãi biển bên ngoài khu resort, hàng chục người biểu tình đã tổ chức một cuộc “dã ngoại biểu tình.” Họ hô to “Trump là kẻ kì thị chủng tộc! Trump là kẻ nói láo!” trong khi khách ở khách sạn chơi golf cách đó chỉ 100 mét, AP tường trình. Một hàng cảnh sát, một số cưỡi ngựa, ngăn cách những người biểu tình khỏi sân golf. Những tay súng bắn tỉa cũng được bố trí trên đỉnh một tòa tháp gần đó nhìn qua khu nghỉ dưỡng rộng lớn.

Người biểu tình trên một bờ biển gần câu lạc bộ golf Turnberry, Scotland, ngày 14 tháng 7, 2018.

Cảnh sát vẫn đang cố gắng tìm một người bay dù lượn xâm nhập một khu vực cấm bay đêm thứ Sáu. Người này bay ngang khu resort mang theo một biểu ngữ phản đối của tổ chức Greenpeace có nội dung “Trump: Well Below Par” để phản đối chính sách môi trường và di trú của ông.

Greenpeace trong một thông cáo nói dù lượn biểu tình đã buộc tổng thống Mỹ tìm chỗ nấp, nói rằng “khi dù lượn xuất hiện trên cao, tổng thống có thể được nhìn thấy lật đật đi về phía lối vào.”

Tổ chức vận động vì môi trường này cho biết họ đã báo với cảnh sát về trò biểu tình này 10 phút trước khi dù lượn bay đến.

Thanh tra thám tử Stephen McCulloch nói người biểu tình đã xâm nhập khu vực cấm bay bên trên khách sạn Turnberry và phạm tội hình sự.

Về phía đông Scotland, hàng chục người khác đã phản đối hôm thứ Bảy bên ngoài Sân Golf Quốc tế Trump ở Aberdeen, theo AP. Một người phụ nữ trèo lên một bức tường bao quanh khu resort đánh golf nhưng đã bị cảnh sát kéo xuống.

AP cho biết một cuộc biểu tình lớn hơn nhiều được tổ chức tại Edinburgh, thủ phủ Scotland, nơi 10.000 người tuần hành qua các đường phố trong một cuộc biểu tình chống Trump trong khi du khách thích thú nhìn theo và những người lái xe ấn còi để thể hiện sự ủng hộ. Một dàn hợp xướng, một người thổi kèn túi, một ban nhạc tambourine và những tiết mục đọc thơ thêm vào tinh thần lễ hội, theo tường trình của AP.

Một khí cầu mang hình Tổng thống Donald Trump xuất hiện trong cuộc biểu tình ở Edinburgh, Scotland, ngày 14 tháng 7, 2018.

Những người biểu tình đã thả bay một khí cầu cao 6 mét có hình ông Trump như một em bé màu cam cau có đang cầm điện thoại để tweet. Khí cầu “Em bé Donald” được thả vào ngày thứ Sáu trước các cuộc biểu tình rầm rộ chống Trump ở London, nơi mà hàng ngàn người đã túa ra các đường phố ở thủ đô của Anh để bày tỏ sự tức giận về chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Trump tới Anh.

Một người biểu tình ở Edinburgh, mặc đồ như Người Nhện, mang theo một biểu ngữ nhắc nhở tổng thống rằng “quyền lực đi kèm với trách nhiệm,” theo AP.

“Tôi đến Edinburgh cùng với con gái của tôi để cho con bé ấy thấy điều quan trọng là phải đứng lên chống lại những người như Trump,” Caroline Blake, 31 tuổi, một nhân viên thẩm Mỹ với đứa con gái 4 tuổi của cô nói với AP. “Bất kì ai nghĩ rằng sàm sỡ phụ nữ và nói về họ như Trump nói là OK thì không xứng đáng trở thành người lãnh đạo của bất cứ cái gì cả.”

Jonathon Shafi thuộc tổ chức Scotland Chống lại Trump nói với AP ông muốn bày tỏ tình đoàn kết với người dân Mỹ chống lại Trump.

“Không chấp nhận được chuyện một tổng thống nói về việc sàm sỡ phụ nữ, tách trẻ em khỏi gia đình của chúng và khuyến khích những kẻ phát xít, kì thị chủng tộc, thù ghét phụ nữ và người đồng tính,” ông nói. “Chúng tôi không chống Mỹ, chỉ chống Trump và chế độ gây chia rẽ của ông ta.”

Một số người đi ngang qua xem các cuộc biểu tình này là lãng phí thời gian.

“Tôi chả thấy để làm gì cả,” Beth Anderson, 43 tuổi, một quản trị viên văn phòng từ Edinburgh, nói với AP. “Những gì Trump làm và nói ở Mỹ là chuyện của người Mỹ. Họ nói rằng ông ta ghét phụ nữ và kì thị chủng tộc, nhưng chúng ta cũng có những người như vậy ở đây mà.”

Nhưng những người khác nói rằng điều quan trọng là gửi một thông điệp - ngay cả khi nó không bao giờ tới tai ông Trump.

“Tôi không nghĩ rằng có bất cứ gì có thể giúp đưa thông điệp này tới tai Trump, nhưng tôi hi vọng các cuộc biểu tình như thế này khuyến khích người dân ở Mỹ chống lại chế độ Trump,” Eli Roth, 56 tuổi, sống ở Edinburgh, nói với AP. “Chúng tôi cần phải cho thấy rằng có những người bên ngoài nước Mỹ quan tâm đến những gì đang xảy ra và Trump có tác động toàn cầu.”