Một chủng virus corona mới được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố là biến thể cần lưu ý, với những đột biến có thể kháng lại vaccine.
Mu, hay B.1.621, được phát hiện đầu tiên tại Colombia và sau đó các ca nhiễm lần lượt được ghi nhận tại 38 nước khác, chủ yếu ở Nam Mỹ và châu Âu.
“Kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên tại Colombia vào tháng 1/2021, thỉnh thoảng có một số báo cáo về các ca biến thể Mu, và một số đợt bùng phát lớn hơn được ghi nhận từ các nước khác ở Nam Phi và châu Âu,” theo cập nhật hàng tuần của WHO về dịch tễ học công bố hôm 31/8.
Dù sự phổ biến của biến thể Mu trên thế giới có giảm đi và ‘hiện đang dưới 0,1%’, sự phổ biến của biến thể này tại Colombia (39 %) và Ecuador (13 %) đang tăng đều đặn, phúc trình nói.
WHO lưu ý biến thể Mu có một loạt các đột biến cho thấy những đặc tính có khả năng thoát khỏi hệ miễn dịch.
Biến thể Mu được WHO liệt kê là 1 trong 5 biến thể ‘cần lưu ý’ bên cạnh Eta, Iota, Kappa và Lambda.
Bốn biến thể khác ‘đáng quan ngại’ và được xem là có khả năng làm cho đại dịch trầm trọng hơn bao gồm Alpha (ghi nhận lần đầu tiên tại Anh và đã xuất hiện tại 193 nước), Beta (đang có mặt tại 141 nước), Gamma đã hiện diện tại 91 nước, và Delta đang hoành hành ở 170 nước.
Hiện số ca nhiễm Mu ghi nhận ở Mỹ (2.065) cao hơn bất cứ nước nào khác, theo GISAID. Columbia ghi nhận 852 ca và Tây Ban Nha 473 ca.
Một biến thể khác của COVID-19 có tên là C.1.2 cũng gây quan ngại cho giới khoa học vì lây nhiễm cao hơn và kháng vaccine hơn những biến thể khác.
Một cuộc nghiên cứu xuất hiện tuần trước cho biết biến thể C.1.2, phát hiện đầu tiên tại Nam Phi hồi tháng 5, đã xuất hiện tại Botswana, Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Congo, Anh, Mauritius, New Zealand, Bồ Đào Nha và Thụy Sĩ.
Biến thể này dường như có tỉ lệ đột biến cao bất thường, đột biến nhiều hơn những biến thể cần quan tâm khác, và có thể gây bệnh COVID-19 nặng hơn các biến thể khác, theo cuộc nghiên cứu của một nhóm khoa học gia Nam Phi.
(Nguồn: Newsweek/CNBC)