Biển Đông vẫn… ‘động’ nếu còn… biết ơn!

Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra, bảo vệ chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông. (Ảnh Cảnh sát biển Việt Nam chụp từ màn hình Dân Việt)

Nhìn một cách tổng quát, việc tiết lộ công hàm mà chính phủ Việt Nam gửi cho Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Đông, khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam chẳng khác gì mở van, xả bớt áp lực đang tăng nhanh và cao trong tâm tư của người Việt trước sự kiện tàu hải cảnh của Trung Quốc lại đâm chìm thêm một tàu đánh cá (mang số hiệu QNg 96017) ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa hôm 2 tháng 4.

Sự kiện QNg 96017 lại làm người Việt sôi lên vì giận. Bộ Ngoại giao Việt Nam lại chỉ trích, đòi Trung Quốc điều tra và bồi thường. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục đưa ra những tuyên bố trâng tráo: QNg 96017 đắm là do… lao vào tàu của hải cảnh Trung Quốc!.. Đây không phải là lần cuối cùng tàu của Trung Quốc xâm nhập vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt! Chắc chắn sẽ còn nhiều sự kiện tương tự và Việt Nam sẽ còn… giao thiệp với Trung Quốc nhiều lần nữa!

Những đợt… giao thiệp như thế không còn giúp người Việt hạ hỏa nhưng công hàm vừa được tiết lộ giúp họ bình tâm: Dường như chính phủ Việt Nam đã dấn bước trên con đường kiện Trung Quốc tại Tòa án Quốc tế! Trong bối cảnh như hiện nay, Việt Nam sẽ không đơn độc khi đối đầu với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền của mình tại biển Đông. Ít nhất là ngay sau khi xảy ra sự kiện QNg 96017, Mỹ đã lên án Trung Quốc lợi dụng đại dịch COVID-19 để củng cố các yêu sách phi pháp tại biển Đông…

Liệu đó có phải là những… tin vui giữa giờ tuyệt vọng? Muốn tìm câu trả lời thỏa đáng, có lẽ nên đối chiếu với một loạt yếu tố trong tương quan về thời gian với sự kiện: Biển Đông không phải là tài sản riêng của đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta, tại sao “ta” không báo cáo với hàng trăm triệu người Việt – đối tượng mà “ta” phục vụ và “ta” vẫn thường khẳng định có quyền “biết”, quyền “bàn”, quyền “hành động” quyền “kiểm tra” - về việc gửi công hàm?

Công hàm gửi ngày 30 tháng 3. QNg 96107 bị đâm chìm ngày 2 tháng 4. Ngày 6 tháng 4 Bộ Ngoại giao Mỹ vừa chỉ trích Trung Quốc về hành động càn rỡ đối với QNg 96107, vừa công bố hàng loạt kế hoạch nhằm gia tăng khả năng giành chiến thắng khi đối đầu trực tiếp với Trung Quốc tại biển Đông nếu Trung Quốc không thoái bộ… Đồng đội, đồng chí, đồng bào bắt đầu đưa ra những so sánh bất lợi cho “ta” về trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc, ngày 7 tháng 4 “ta” mới bạch hóa công hàm…

Công hàm “ta” gửi Liên Hiệp Quốc có thể là dọn đường cho việc dựa vào luật pháp quốc tế, sử dụng các định chế quốc tế, đối đầu với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông. Tuy nhiên, từ trước tới nay, có bao nhiêu lần “ta” hành xử hợp quy luật và theo logic thông thường? Bao nhiêu lần “ta” làm thiên hạ chưng hửng? Dã tâm của Trung Quốc như thế nào thì cả thiên hạ lẫn “ta” biết cả, thế thì tại sao ở “ta”, bày tỏ tâm tư về Trung Quốc vẫn bị xem là bị “các thế lực thù địch lôi kéo, kích động”?

***

Vì nhiều lý do, Trung Quốc đã và sẽ còn là một đối thủ không dễ đối phó. Đối đầu với Trung Quốc có thể phải gánh chịu nhiều thiệt hại, ít nhất là về kinh tế - xã hội nhưng không phải là không thể. Chẳng hạn so với “ta”, Đài Loan ở tình thế ngặt nghèo hơn nhiều. Hòn đảo này đã bị tước bỏ tư cách thành viên Liên Hiệp Quốc, mất tư cách một quốc gia từ đầu thập niên 1970. Dù Trung Quốc tìm đủ mọi cách để nuốt chửng Đài Loan - “lãnh thổ” phụ thuộc Trung Quốc - nhưng 50 năm qua vẫn không nuốt nổi.

Bất kể Trung Quốc tận dụng tối đa ưu thế về thị trường, về giá nhân công, về khả năng thu hút đầu tư khuynh loát sức cạnh tranh của nhiều nền kinh tế, liên tục gây sức ép với các quốc gia trên toàn thế giới để cô lập Đài Loan, dù kinh tế Đài Loan cũng bị Trung Quốc chi phối, thậm chí còn liên tục bị Trung Quốc hăm dọa sẽ dùng vũ lực để “thống nhất lãnh thổ” song Đài Loan vẫn tìm được lối riêng để đi.

Đài Loan - “lãnh thổ” xếp thứ 21 trên thế giới về sức mạnh kinh tế - tiếp tục củng cố tư thế như một đối tác đáng kính trọng của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. Gần đây, ấn tượng mà Đài Loan tạo ra trong việc đối phó với COVID-19, viện trợ của Đài Loan cho nhiều quốc gia khác để cùng phòng, chống COVID-19 làm Trung Quốc nổi điên song không thể làm gì khác hơn… chửi đổng. Cục diện quốc tế có những ràng buộc để Trung Quốc không thể vọng động theo kiểu “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”.

Chưa rõ chính quyền Đài Loan sẽ ứng xử thế nào trước sự kiện mới nhất: 70% dân chúng Đài Loan muốn bỏ “China” ra khỏi Quốc hiệu (Republic of China) để minh định với cộng đồng quốc tế, Đài Loan là Taiwan, không liên quan đến Trung Quốc, thiên hạ không nên đối xử với người Đài Loan bằng định kiến dành cho công dân Cộng hòa nhân dân Trung Hoa nhưng có thể dùng sự kiện đó để so với… “ta”! Lúc nào thì “ta” – vẫn thường tuyên bố là “của dân, do dân, vì dân” – cho dân “ta” bày tỏ chính kiến như vậy?

Trong quan hệ với Trung Quốc, tại sao Đài Loan có thể đứng vững trên đôi chân của họ? Cứ quan sát và ngẫm nghĩ kỹ ắt sẽ thấy, yếu tố đầu tiên là hòn đảo này có nhiều tổ chức chính trị cạnh tranh với nhau để cầm quyền. Giống như nhiều quốc gia khác, ở Đài Loan, các tổ chức chính trị muốn trở thành đảng cầm quyền phải tự chứng minh họ hữu dụng, có khả năng nâng cao nội lực và bảo vệ sự độc lập của Đài Loan, tôn trọng quyền tự quyết của đồng bào, kể cả quyền lựa chọn tổ chức chính trị cầm quyền.

May cho Đài Loan là không có tổ chức chính trị nào trở thành đảng cầm quyền nhờ được Trung Quốc hậu thuẫn “thống nhất đất nước”, thành ra không có đảng cầm quyền nào luôn luôn bày tỏ sự “biết ơn” vô điều kiện đối với “sự giúp đỡ quý báu” của Đảng Cộng sản Trung Quốc. May cho Đài Loan là không có đảng cầm quyền nào đinh ninh: Có gạt bỏ toàn bộ dã tâm, sự càn rỡ của Trung Quốc - “người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn ở ngay bên cạnh, sẵn sàng hỗ trợ để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội” - thì mới duy trì được “quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối” trên xứ sở của mình. Đó là lý do, Trung Quốc không ngừng khuấy động nhưng eo biển Đài Loan không… “động”!

Chắc chắn tại Đài Loan, không có chính quyền nào thuộc bất kỳ đảng nào có thể lẳng lặng gửi cho Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc một công hàm phản đối sự càn rỡ của Trung Quốc và không thèm nói tiếng nào với dân chúng Đài Loan. Chắn chắn không có người nào trong số khoảng 25 triệu dân Đài Loan xem đó là hành động “tài tình, sáng suốt” và vì vậy tiếp tục “ngậm đắng, nuốt cay”, tự an ủi là còn có thể hy vọng. Chắc chắn không có chính quyền nào thuộc bất kỳ đảng nào ở Đài Loan dám bày tỏ sự “biết ơn” vì Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giúp cho mình trở thành đảng cầm quyền và sẽ giúp cho mình mãi mãi là đảng cầm quyền!

Nếu Đài Loan có một chính quyền như thế thuộc một đảng cầm quyền như thế thì eo biển Đài Loan đã… “động” từ lâu và có nên từ đó mà ngẫm xem biển Đông có còn… “động” không, nếu nguồn lực quốc gia tiếp tục thất tán, sau các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, sắp đến lúc hợp tác xã lên ngôi vì “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” sắp tái đăng quang? Làm sao có thể giữ biển Đông không… động khi kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục chao đảo, ngả nghiêng, sự phụ thuộc vào Trung Quốc càng lúc càng lớn nhưng với đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta vấn nạn đó vẫn không quan trọng bằng việc tiếp tục uốn éo nhằm duy trì sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của mình?