Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry sẽ đến Bắc Kinh vào ngày mai để thực hiện chuyến thăm 2 ngày gặp các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự.
Trọng điểm chính của chuyến đi là chuẩn bị cho các cuộc đàm phán cấp cao sắp tới giữa các nhà lãnh đạo và một chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối năm nay.
Nhưng vụ tranh cãi ngày càng nhiều về nỗ lực xây dựng ồ ạt của Trung Quốc trong lãnh hải đang có tranh chấp ở Biển Đông có thể làm lu mờ chuyến thăm của ông Kerry.
Vào lúc Ngoại trưởng Kerry sắp thực hiện chuyến đi, đã có sự lo ngại dồn dập liên tục từ phía các giới chức Hoa Kỳ về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng 7 địa điểm trong vùng lãnh hải có tranh chấp ở Biển Đông.
Bắc Kinh đang xây một phi đạo cỡ cho quân đội sử dụng ở bãi đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa và đã đổ đủ cát tại các địa điểm khác để xây có thể là một phi đạo thứ nhì, mở rộng tổng diện tích các đảo và bãi đá thêm 800 hecta.
Theo tin tức trước đây trong tuần, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đang cứu xét việc sử dụng các cuộc tuần tra bằng máy bay và tàu quân sự để bảo đảm quyền tự do đi lại trên biển, và chứng tỏ mức độ cấp thiết của khu vực trong công cuộc mậu dịch toàn cầu mà Washington cảm thấy.
Nhà ngoại giao hàng đầu về Đông Á, ông Daniel Russel nói các hành động khiêu khích của Trung Quốc đang gây thiệt hại cho vị thế của họ. Tại một cuộc điều trần ở quốc hội trong tuần này, ông Russel nói thêm rằng có sự cần thiết phải ngăn chặn hành vi thách thức như thế.
Một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với hãng tin Reuters rằng vấn đề sẽ được nêu ra trong chuyến thăm và ông Kerry sẽ rời Trung Quốc mà dứt khoát không nghi ngờ gì về sự cam kết của Washington đối với quyền tự do đi lại trên biển và trên không trong vùng Biển Đông.
Nhưng chưa rõ ông sẽ đi xa đến mức nào trong việc khẳng định điều đó.
Ông William Choong, một thành viên kỳ cựu của Viện Nghiên cứu Sách lược Quốc tế nói có phần chắc ông Kerry sẽ đề cập đến vấn đề những cuộc tuần hành trong chuyến thăm này, và nếu ông làm như thế, thì chuyện đó sẽ châm ngòi cho một phản ứng mạnh từ phía Trung Quốc.
Ông nói: “Nhưng tôi nghĩ rồi ra, vấn đề sẽ là Hoa Kỳ sẵn sàng thúc đẩy xa đến mức nào, với rủi ro leo thang.”
'Gây khó chịu'
Trung Quốc và Hoa Kỳ dự định chủ trì các cuộc đàm phán cấp cao về kinh tế và an ninh vào cuối năm nay. Và hai bên đang chuẩn bị cho chuyến công du đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Hoa Kỳ vào tháng 9.
Ông Choong cho rằng trong khi Hoa Kỳ sẽ có lý do để thực hiện các cuộc tuần hành – thậm chí rất gần các hòn đảo mà Trung Quốc đang xây dựng – Washington cũng sẽ phải suy nghĩ về tác động mà những nỗ lực thúc đẩy sẽ gây ra đối với quan hệ sách lược ở mức cao hơn.
Ông Vương Đông, một nhà khoa học chính trị của trường Đại học Bắc Kinh nói khó mà nói được liệu vấn đề có làm lu mờ chuyến thăm, hay liệu hai bên có tìm cách hạ giảm tầm quan trọng của vấn đề hay không.
Cảm tưởng riêng của tôi là dường như đây là chuyện Hoa Kỳ tìm cách gửi một tín hiệu răn đe cho Trung Quốc chứ không phải có ý là Hoa Kỳ sẽ có hành động thực sự.Chuyên gia Vương Đông nhận định.
Ông nói: “Cảm tưởng riêng của tôi là dường như đây là chuyện Hoa Kỳ tìm cách gửi một tín hiệu răn đe cho Trung Quốc chứ không phải có ý là Hoa Kỳ sẽ có hành động thực sự.”
Bất luận điều gì sẽ xảy ra, những nhận định của các giới chức Hoa Kỳ trong tuần này đã gây khó chịu cho các giới chức Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh “hết sức quan ngại” và đã yêu cầu Washington xác minh các tin tức về những cuộc tuần hành có thể có, một vấn đề mà Hoa Kỳ nói là Trung Quốc được tư do nêu ra trong chuyến thăm.
Ông Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, đã cáo buộc Hoa Kỳ là có “những tiêu chuẩn nước đôi” và viện đến các chiến thuật thời Chiến tranh Lạnh đã lỗi thời.
Ông Thôi nói với đài truyền hình quốc doanh CCTV rằng mọi thứ Trung Quốc đang làm nằm trong phạm vi chủ quyền của họ và Bắc Kinh chưa hề xây dựng các hòn đảo trên lãnh thổ thuộc chủ quyền củ các nước khác. Ông Thôi nói ngược lại, các nước khác lâu nay vẫn xây dựng trên các hòn đảo mà ông nói là của Trung Quốc, vậy mà Hoa Kỳ không hề nói gì.
Trung Quốc không phải là nước đầu tiên đòi chủ quyến ở Biền Đông xây một phi đạo trên các hòn đảo, mà thực ra họ gần như là nước cuối cùng làm việc đó. Đấy là điểm mà Bắc Kinh vẫn nhắc đến nhiều khi các giới chức Hoa Kỳ và những người khác nêu vấn đề này ra. Nhưng không có nước nào khác đòi chủ quyền ở biển Đông có được sức mạnh quân sự có thể sánh kịp với Trung Quốc hay việc lớn lối khẳng định chủ quyền của họ đối với gần như toàn bộ Biển Đông.
Your browser doesn’t support HTML5