Trong thời Chiến Tranh Lạnh thế kỷ 20, nhiều lúc người ta nghĩ rằng hai nước Nga và Mỹ không thể nào tránh khỏi “chiến tranh nóng” thật sự. Cả hai đều làm đống bom hạch tâm và vũ khí bình thường mỗi năm một cao hơn; thế nào cũng có lúc phải dùng đến. May mắn, chuyện đó không xảy ra.
Nhưng trong thế kỷ trước, tàu chiến, máy bay, và quân đội Nga và Mỹ không có dịp nào đến gần nhau, trừ vụ hỏa tiễn Nga đem tới Cuba, rồi lại rút về. Hiện giờ, tàu chiến, mẫu hạm, tàu ngầm, phi cơ chiến đấu của Mỹ và Trung Quốc vẫn thường xuyên có mặt cùng một lúc trong eo biển Đài Loan và Biển Đông nước ta. Trong lúc đó, các nhà chính trị càng ngày càng lớn tiếng.
Từ khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden nhắc đi nhắc lại rằng Cộng sản Trung Quốc, với chính sách bành trướng của họ, là mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ và thế giới. Khi phó tổng thống Kamala Harris đến Singapore trong tháng trước, bà tuyên bố nước Mỹ sẽ ủng hộ các đồng minh bị Trung Cộng đe dọa. Ở Việt Nam, bà kêu gọi các nước phải gia tăng áp lực buộc Trung Cộng phải tôn trọng Luật Biển của Liên Hiệp Quốc, tức là xóa bỏ Đường Lưỡi Bò.
Chính quyền Mỹ không chỉ nói lớn tiếng hơn. Năm 2021, số tàu chiến Mỹ xuất hiện nhiều hơn ở Á Đông và Đông Nam Á. Mỹ nêu lý do muốn xác định và bảo vệ quyền tự do hàng hải. Trung Cộng thì coi cả mặt biển nằm trong vòng Đường Lưỡi Bò là hải phận nước họ. Có lúc tàu chiến hai nước đã đi gần nhau quá, xểnh tay một chút có thể gây tai nạn.
Nếu xảy ra một cuộc đụng độ giữa tàu đánh cá Trung Quốc với ngư phủ Việt Nam và hải quân Trung Cộng can thiệp bênh dân của họ, thì các chiến hạm Mỹ có đứng yên quan sát, như năm 1974 Mỹ để mặc cho Trung Cộng chiếm Hoàng Sa hay không? Chắc họ sẽ trung lập. Vì Cộng sản Việt Nam chắc cũng không dám cho hải quân ra nghênh chiến. Nhưng nếu đó lại là các tàu đánh cá Philippines, và hải quân nước này tiến vào bảo vệ ngư phủ của họ, thì Mỹ có can dự vì đã có thỏa ước an ninh hỗ tương với Philippines hay không?
Một cuộc đụng độ thật sự giữa Mỹ và Trung Cộng có thể bùng lên trong vùng Biển Đông vì những biến cố bất ngờ hoặc chỉ vì tai nạn.
Nhưng có thể tin rằng cả hai nước không nước nào muốn bước vào một cuộc chiến tranh thực sự với nước kia. Một cường quốc không thể chỉ vì những xung đột nhỏ mà đem hết quân lực ra thử thách với cường quốc khác, nếu quyền lợi “cốt tủy” của mình không bị đe dọa. Hơn nữa, nếu hai nước đánh nhau toàn diện thì kết cục sẽ không ai thắng, ai bại. Mỹ không thể nào tiêu diệt chế độ Cộng sản ở Trung Quốc dù dùng đến vũ khí hạch tâm. Sau kinh nghiệm Afghanistan, ai cũng đặt câu hỏi: Tiêu diệt họ rồi thì sẽ làm gì tiếp? Ngược lại, Trung Cộng cũng không đủ sức làm cạn kiệt tài nguyên và guồng máy công nghiệp chiến tranh của nước Mỹ - một bài học “bất ngờ” cho Đức Quốc Xã và Quân Phiệt Nhật trong thế kỷ. Vậy thì đánh nhau để làm gì?
Nhưng nếu nổ súng thì không nước nào chịu nhượng bộ trước, bị mất mặt. Các chiến hạm có thể ngưng không trực tiếp tấn công; có thể tránh cách xa nhau vừa phải, nhưng không bên nào chịu rút đi. Xung đột cứ thế tiếp tục; cả hai nước đủ sức chấp nhận tình trạng căng thẳng kéo dài. Nhưng kéo dài bao lâu?
Mỹ và Trung Cộng đều không muốn lâm chiến, nhưng Mỹ có thể chịu đựng một tình trạng căng thẳng lâu dài hơn; còn Trung Cộng trong vài ba tháng sẽ thấy bất lợi.
Điều làm các người lãnh đạo Bắc Kinh lo lắng nhất là thương mại quốc tế bị đình đốn. Giá bảo hiểm sẽ tăng lên trên tất cả các chuyến tàu chở hàng hóa đi qua Biển Đông, từ eo biển Malacca nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương kéo lên tới Biển Nhật Bản. Nhiều hãng bảo hiểm sẽ từ chối, vì rủi ro quá lớn. Hàng hóa đem đi bán sẽ tăng giá đến mức người mua phải bỏ cuộc.
Đông Nam Á vẫn là khách hàng lớn nhất của Trung Quốc, và qua vùng biển đó Trung Cộng mua bán với thế giới. Trên con đường thương mại này, người ta không chỉ trao đổi nguyên liệu, năng lượng, hàng hóa, mà còn thiết lập các dây chuyền tiếp liệu, cung ứng các sản phẩm phụ, nhiều thứ chạy qua chạy lại nhiều lần trước khi hoàn tất.
Kinh nghiệm bệnh dịch Covid-19 vừa qua cho thấy khi các dây chuyền tiếp liệu bị ngưng trệ thì kinh tế tất cả các nước liên hệ, kẻ bán người mua đều bị thiệt hại. Nhiều nhà máy sản xuất xe hơi ở châu Mỹ, châu Âu, phải ngưng hoạt động vì thiếu những con chip rẻ tiền nhập cảng từ nước khác đang bị Coranavirus ngăn cản.
Phản ứng của các nước trước bệnh dịch cho thấy ai cũng lo xa, tìm cách đề phòng, tự vệ. Nếu một món hàng mình sản xuất lệ thuộc vào những thành phẩm chuyển qua các dây chuyền tiếp liệu không bền vững, thì tốt nhất hãy tìm một nguồn tiếp liệu ở một xứ gần hơn, hoặc tự mình sản xuất lấy. Các nước Âu châu và Mỹ đang tìm các nguồn cung cấp mới cho những “khoáng chất hiếm” (rare earth) lâu nay vẫn mua từ Mông Cổ hoặc Tân Cương. Intel ở Mỹ chuyên sản xuất các loại chip tối tân nhất, đã bỏ không làm các thứ chip rẻ tiền từ hàng chục năm rồi, bây giờ đang nhờ chính phủ Mỹ giúp tiền mở nhà máy làm trở lại. Những nguồn tiếp liệu cho dược phẩm, dụng cụ y khoa, cũng thay đổi để khỏi phụ thuộc vào các nhà cung cấp ở quá xa.
Nếu Biển Đông nước ta trở thành một vùng “chiến tranh ấm” không nóng cũng không lạnh, thì sau năm, ba tháng, tất cả các nước đã lo điều chỉnh đường dây tiếp liệu rồi. Các công ty liên quốc thường đặt hàng sớm, từ sáu tháng đến một năm. Nếu thấy viễn ảnh trong sáu tháng nữa chưa chắc đã nhận được hàng tiếp liệu với giá bảo hiểm rẻ vừa phải, thì ai cũng tìm mua nơi khác. Khi đã thiết lập các đường dây cung ứng mới đáng tin cậy hơn, các nước sẽ thấy không cần trở về với dây chuyền cung ứng cũ nữa mà vẫn tiết kiệm được thời giờ, tiền bạc. Những gì người Trung Hoa làm được thì người Ấn Độ, người Indonesia cũng làm được, nếu có máy móc và có khách hàng đặt mua.
Đó là lý do Bắc Kinh sẽ không thể chịu đựng tình trạng căng thẳng kéo dài trong vùng Biển Đông nước ta. Chiến hạm Trung Cộng không thể chỉ vì những xung đột nho nhỏ rồi “nghênh” tàu chiến Mỹ lâu quá năm, ba tháng mà không khiến nền ngoại thương của Trung Quốc đình trệ.
Có lẽ đó là lý do các ông Joe Biden, bà Kamala Harris có thể tuyên bố chống Trung Cộng rất mạnh. Nói năng thật mạnh mà không lo mất gì cả, lại được lòng dân. Các chiến hạm Mỹ có thể xuất hiện ở vùng biển Đông Nam Á và Á Đông nhiều hơn, chỉ tốn thêm chút xăng dầu nhưng được huấn luyện thêm, càng tốt.