Tổng thống Joe Biden thúc đẩy các cơ quan an ninh quốc gia Mỹ, trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump, nên đưa ra các chiến lược mới nhằm giải quyết các mối quan hệ ngày càng sâu sắc và nguy hiểm giữa Nga, Iran, Triều Tiên và Trung Quốc, các quan chức Mỹ cho hay.
Để đổi lấy sự giúp đỡ của Iran cho nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine, Moscow cung cấp cho đồng minh Iran máy bay chiến đấu, hệ thống phòng thủ phi đạn và công nghệ vũ trụ, ông Biden kết luận trong bản ghi nhớ an ninh quốc gia ban hành hôm 11/12.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cung cấp nhiên liệu, tiền bạc và công nghệ cho Triều Tiên và công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân trên thực tế.
Vẫn theo chính quyền Biden, Nga đang tiến hành tuần tra chung với Trung Quốc ở Bắc Cực.
Bản ghi nhớ Tổng thống Biden vừa ban hành là một văn kiện mật, chỉ được trình bày chung chung cho báo giới.
Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên trước đây từng phản đối những đánh giá tương tự và cáo buộc Washington có hành vi gây bất ổn.
Bản ghi nhớ của Tổng thống Biden chỉ thị cho nhiều nhánh khác nhau của chính phủ Hoa Kỳ tái cơ cấu các nhóm hiện được tổ chức theo khu vực để tập trung tốt hơn vào các vấn đề liên kết bốn quốc gia vừa kể trải dài khắp Châu Âu và Châu Á.
Các chiến lược và đề xuất chính sách trong bản ghi nhớ này có thể được thực hiện - hoặc bị bác bỏ hoàn toàn - bởi Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông Trump, một đảng viên Cộng hòa, sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2025.
Một quan chức cao cấp trong chính quyền Biden nói họ muốn đề ra những sự lựa chọn mới để tân chính quyền của ông Trump và Quốc hội có thể bắt tay vào làm việc.
Các quan chức cho biết những thách thức phía trước bao gồm việc đảm bảo rằng mọi lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu áp đặt lên bốn quốc gia vừa kể đều được áp dụng một cách phối hợp để không có nguy cơ bị các quốc gia đó phản đòn, đồng thời phải tạo điều kiện cho Hoa Kỳ xử lý tốt hơn các cuộc khủng hoảng cùng lúc liên quan đến các nước trong nhóm này. Ví dụ, quân đội Triều Tiên hiện đang phục vụ ở Nga.
Một quan chức nói: “Chúng ta hiện đang ở trong một thế giới mà kẻ thù và đối thủ của chúng ta đang học hỏi lẫn nhau rất nhanh”.
Nhưng có những giới hạn trong sự hợp tác giữa các nước này, một quan chức khác cho biết, trong số đó có việc Nga và Iran không hỗ trợ được cho đồng minh là ông Bashar al-Assad, cựu tổng thống Syria vừa bị lật đổ cuối tuần qua.
“Việc tái tổ chức này đặt ra cho Trung Quốc câu hỏi về tương lai nào mà họ muốn nhìn thấy và liệu họ có thực sự muốn hợp tác toàn diện với nhóm này hay không”.