Các giới chức Hoa Kỳ cho biết Phó Tổng thống Biden sẽ nhân các cuộc hội đàm của ông với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, người được dự đoán là sẽ kế vị chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào năm tới, để nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ đang kiên quyết giải quyết các vấn đề tài chính.
Trong các cuộc thương nghị gay go và đầy bất đồng giữa Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Quốc hội về một thỏa thuận cho vấn đề nợ quốc gia và thâm hụt ngân sách, Tân Hoa Xã nói rằng đấu đá chính trị tại Washington gây nguy hiểm cho kinh tế toàn cầu.
Nói chuyện với các phóng viên báo chí, Thứ trưởng Tài chánh đặc trách các vấn đề quốc tế, bà Lael Brainard nói rằng Phó Tổng thống Biden sẽ bàn về "kế hoạch rất mạnh nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách" mà Tổng thống Obama đã ký thành luật.
Cho rằng Hoa Kỳ "có khả năng, quyết tâm và cam kết" giải quyết những thách thức về kinh tế và tài chính, bà Brainard nêu ra quyền lợi mà Trung Quốc được hưởng trong sách lược tài chính có hiệu quả của Hoa Kỳ, cụ thể là hơn một ngàn tỉ đôla đầu tư vào trái phiếu chính phủ.
Bà Brainard nói: "Mức cầu đầu tư vào trái phiếu chính phủ của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục cực kỳ cao, vì rõ ràng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường sâu và linh động nhất thế giới. Và tôi nghĩ nhiều người ở Trung Quốc cũng như toàn thế giới đều thừa nhận rằng nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là nền kinh tế linh hoạt và sáng tạo nhất."
Phó Tổng thống Biden đi thăm Trung Quốc theo lời mời của chủ tịch Hồ Cẩm Đào khi ông Hồ đi thăm Washington vào tháng Giêng năm nay. Trong chuyến thăm này, ông Biden sẽ gặp gỡ với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Bắc Kinh, và sau đó theo kế hoạch, ông sẽ đọc một bài diễn văn về quan hệ Trung-Mỹ tại Đại học Tứ Xuyên ở Thành Đô.
Cố vấn An ninh quốc gia cho phó tổng thống, ông Tony Blinken nói rằng ông Biden có một quan điểm rất thích hợp để chuyển đi thông điệp này.
Ông Blinken nói: "Trong tư cách là hai cường quốc và hai nước giữ những vài trò của thế giới, Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng đối diện với những thách thức giống nhau và cùng gánh vác nhiều trách nhiệm chung. Phó Tổng thống và tổng thống tin chắc rằng hai nước càng hành động nhiều để cùng nhau giải quyết những thách thức và gánh vác những trách nhiệm, thì thế giới càng được hưởng lợi."
Nói về các vấn đề nhân quyền, Giám đốc Á vụ của Hội đồng An ninh Quốc gia Daniel Russel nói rằng Phó Tổng thống Biden sẽ tiếp tục củng cố quan điểm của Hoa Kỳ rằng sẽ có "một giá trị lớn lao" trong việc Trung Quốc nối lại đối thoại với các đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Phó Tổng thống Biden cũng sẽ đi thăm Mông Cổ. Ông sẽ là phó tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến thăm nước này kể từ năm 1944. Các cuộc hội đàm tại Mông Cổ sẽ tập trung vào tiến trình chuyển đôåi sang dân chủ của nước này, và vấn đề hợp tác mở rộng kinh tế và quốc phòng với Hoa Kỳ. Tổng thống Mông Cổ đã đến thăm Tòa Bạch Ốc hồi tháng 6.
Tại Nhật Bản, các cuộc hội đàm của phó tổng thống sẽ tập trung vào các nỗ lực hồi phục ảnh hưởng của "ba tai họa" – động đất, sóng thần và tại nạn hạt nhân - cùng với các vấn đề vấn đề về an ninh và liên minh, trong đó có chuyện Bắc Triều Tiên.
Chuyến công du châu Á của ông Biden mở màn cho điều mà các giới chức Hoa Kỳ mô tả là một nghị trình ngoại giao bận rộn về các sự kiện châu Á-Thái Bình Dương trong những tháng sắp tới.
Tổng thống Obama sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 11 tới đây tại Honolulu. Và từ đó ông sẽ bay sang Bali, Indonesia để dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.
Các biện pháp mà Washington áp dụng để chấn chỉnh trật tự tài chính của Hoa Kỳ sẽ là đề tài trọng tâm trong chuyến công du ba nước châu Á của Phó Tổng thống Joe Biden. Hôm nay ông Biden sẽ lên đường đi thăm Trung Quốc, Mông Cổ và Nhật Bản. Từ Tòa Bạch Ốc, thông tín viên Dan Robinson của đài VOA ghi nhận chi tiết trong bài tường trình sau đây.