Cổ phiếu VFS của hãng xe điện Việt Nam VinFast vừa có hai phiên giao dịch đầy kịch tính khi vừa tăng giá 30% vào hôm 20/5 đã ngay lập tức giảm 19% trong phiên giao dịch ngay sau đó, theo tìm hiểu của VOA.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/5, cổ phiếu VFS đã mất 18,67% giá trị, theo chỉ số Nasdaq, sau khi có tin Cơ quan An toàn Giao thông Xa lộ Quốc gia Mỹ (NHTSA) đang điều tra một vụ tai nạn trên xe VinFast ở California hồi tháng trước làm 4 người trong một gia đình thiệt mạng.
Mới một ngày trước đó, trong phiên giao dịch hôm 20/5, VFS đã có một phiên bùng nổ khi đã tăng giá hơn 30% sau khi nhà đầu tư đón nhận tin tức VinFast được tiếp cận hệ thống sạc xe điện của hãng Bosch của Đức ở châu Âu.
Vụ tai nạn xảy ra vào tối ngày 24/4, một gia đình ở thành phố Pleasanton, bang California, đã mượn chiếc xe điện SUV VF8 của một đồng nghiệp. Chiếc xe này đã bị lạc tay lái, chệch khỏi đường, đâm vào một cây cột rồi đâm tiếp vào một cái cây, sau đó bốc cháy khiến cả gia đình bốn người đều tử vong, CNN dẫn đơn khiếu nại được cho là của chủ xe được đăng trên trang web của NHTSA cho biết. Trong số các nạn nhân có hai trẻ em ngồi ở ghế sau.
Chủ chiếc xe VF8 này từng phàn nàn về tính năng tự lái của nó, cũng theo CNN. Trang TechCrunch còn nói rõ hơn là chủ xe từng than phiền về phần mềm hỗ trợ của xe mà chủ xe cho là ‘đôi khi giật xe sang bên phải’. Đây cũng là điều mà các chủ xe VF8 khác cũng đã trải qua.
Trong đơn khiếu nại được CNN dẫn lại, chủ xe cho biết chiếc xe gặp nạn từng bất ngờ bị lệch sang bên phải khi đang chạy trong ít nhất là hai trường hợp. Trong ít nhất một trường hợp, tính năng tự lái của xe, được bật lên ‘theo mặc định’. Chủ xe lúc đó đã có thể giành lại quyền kiểm soát và kéo chiếc xe quay trở lại đúng làn.
TechCrunch cho biết NHTSA đã giao cho bộ phận Điều tra Đặc biệt về Tông xe (Special Crash Investigations) xem xét tình huống khiến xe gặp nạn và vụ cháy xe sau đó.
Tuy nhiên, trong khi đợi kết luận điều tra, hiện chưa rõ có phải tính năng Hỗ trợ lái Nâng cao (Advanced Driving Assistance System – ADAS) là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn chết chóc này hay không, CNN cho biết. Trước vụ tai nạn này, NHTSA cũng đã điều tra nhiều sự cố xảy ra đối với xe của những hãng khác, trong đó có Tesla và Ford, mà lúc đó ADAS cũng đang hoạt động. Truyền thông đã dẫn lời cảnh sát địa phương cho biết tài xế chạy quá tốc độ là một nguyên nhân.
“VinFast và NHTSA đang hợp tác cùng nhau để xác định nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc ở Pleasanton. NHTSA không điều tra VinFast,” hãng xe này nói trong tuyên bố gửi đến CNN. “Cảnh sát Pleasanton hiện đang điều tra nguyên nhân tai nạn và sẽ công bố kết luận khi công việc của họ hoàn tất.”
Còn về thỏa thuận hợp tác trạm sạc với Bosch được công bố hôm 20/5, nó cho phép các tài xế chạy xe VinFast ở châu Âu được phép tiếp cận hệ thống trạm sạc rộng lớn của Bosch gồm 700.000 điểm sạc trải rộng trên 30 nước, chuyên trang về xe điện electriccarsreport cho biết.
Các tài xế xe VinFast có thể tìm vị trí các trạm sạc của Bosch, sạc và thanh toán thông qua ứng dụng VinFast trên điện thoại di động hay thao tác trực tiếp trên màn hình tích hợp trên xe, cũng theo trang tin này. Các ứng dụng này cũng minh bạch thông tin về lịch sử các lần sạc để chủ xe có thể quản lý chi phí sạc một cách hiệu quả.
Ngoài ra, các khách hàng cũng có thể được hệ thống hỗ trợ khách hàng toàn diện của cả VinFast và Bosch ở châu Âu hỗ trợ về những vấn đề liên quan đến sạc.
Cách nay hơn một tuần, hôm 13/5, cổ phiếu VFS đã mở đầu tuần giao dịch mới với mức tăng vọt 51,5% so với mức giá đóng cửa phiên trước đó sau khi có tin VinFast cho ra mắt dịch vụ giải trí RIDEVU trong bối cảnh Mỹ loan báo áp thuế 100% đối với xe điện Trung Quốc.
Tính đến hết phiên giao dịch hôm 21/5, cổ phiếu VFS được giao dịch ở mức giá 5,12 đô la, tức là tăng hơn 100% so với mức đáy 2,26 đô la một cổ phiếu hồi tháng trước.