Thính giả Trang Nguyễn hỏi về bịnh tâm thần và yếu tố di truyền.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Your browser doesn’t support HTML5
Tóm tắt:
Bịnh tâm thần khá phổ biến. Người mắc bịnh tâm thần thì con cái họ dễ bị bịnh tâm thần hơn người khác. Yếu tố môi trường (hoàn cảnh gia đình xã hội) cũng quan trọng không kém trong việc những người con cái này có triệu chứng tâm thần hay không, có một cuộc sống ý nghĩa hay lành mạnh hay không. Người mắc bịnh tâm thần nên có con hay không có con, có con rồi có nên sanh thêm hay không là một quyết định tuỳ theo hoàn cảnh của mỗi người cha mẹ tương lai. Mỗi bịnh tâm thần, mỗi trường hợp đều khác nhau và quy luật di truyền có thể khác nhau.
Đây một câu hỏi khó trả lời, nhất là trả lời có căn cứ khoa học mà không gây ngộ nhận cho người nghe. Xin nói trước mọi nhận xét chỉ có tính cách thông tin tổng quát.
Bịnh tâm thần không đơn giản như khi chúng ta nói đến các bịnh thể chất như "bịnh lao", "bịnh áp huyết cao", bịnh tiểu đường". Các bịnh tâm thần không được định nghĩa chính xác theo một số tiêu chuẩn chính xác, có nhiều loại bịnh tâm thần, chúng chòng chéo, trùng hợp với nhau và tác dụng của các thuốc men trên bịnh tâm thần cũng không được hiểu rõ lắm.
Bộ óc còn nhiều bí ẩn đối với y học, và ngoài ra gần đây người ta còn ghi nhận vai trò các vi khuẩn trong ruột đối với sức khoẻ tâm thần (the gut-brain axis) (1), đó là chưa kể đến tác dụng của môi trường sống, như gia đình, xã hội và cả giai đoạn còn thai nhi trong bụng mẹ (2007: Paul Patterson nhận xét thai phụ bị bịnh nóng sốt kéo dài trong thai kỳ có cơ nguy sinh con bị chứng tự kỷ cao gấp 7 lần người thường). Cho nên, không nên có thái độ quá bi quan cho rằng cứ đời cha mắc bịnh tâm thần thì đời con sẽ bắt buộc như vậy. Ngoài chuyện may rủi quyết định mỗi người nhận được gen nào của cha hay mẹ mình, di thể cũng không phải là định mệnh bất di bất dịch, và như chúng ta vẫn nói "xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều".
1) Lúc nói đến bịnh tâm thần, đa số chúng ta muốn nói những biểu hiện làm người bịnh suy nghĩ và hành động một cách lạ lùng, không bình thường, không giống người khác, nôm na là "điên". Tuy nhiên, trong ngôn ngữ thường ngày, “điên” cũng có nhiều nấc, như “điên”, “điên dại”, “điên khùng”, “tốc kê”, “tửng”,...tuỳ theo người đó thích ứng được với đời sống hàng ngày hay không.
Trong một số hoàn cảnh, người mà chúng ta gọi là "tâm thần" có khi lại có vẻ huyền bí, tâm linh riêng được người khác kính trọng. Lâm Ngữ Đường (Lin Yu Tang), lúc bàn về Đạo giáo, có nhắc đến những nhân vật nổi tiếng của văn hoá Trung Hoa, tuy mang tiếng là “ngu”, nhưng được đời tôn sùng nhờ tài năng của họ, và vì luôn cả cái "ngu mà khôn” của họ: như danh hoạ Mễ Phí, mê sự sạch sẽ, mặc lễ phục tới lạy phiến đá; "thi sĩ điên nổi danh, hòa thượng Hà Sơn, đầu bù, chân không, đi lại các ngôi chùa, làm mọi việc lặt vặt trong cái nhà khói (nhà bếp của chùa), xin cơm thừa canh cặn mà ăn và làm được những bài thơ bất hủ viết lên tường các nhà khói". Lâm Ngữ Đường nhận xét: "Khi một nhà sư điên lam lũ được ta coi là tượng trưng cho cái trí tuệ rất cao, cái tư cách rất quý, thì trong cái bến mê là cõi đời này, ta bỗng tỉnh ngộ; trong sự tỉnh ngộ đó có cái ý vị lãng mạn hoặc tôn giáo nó đưa ta vào cảnh giới ảo tưởng của thọ. Kẻ ngu được hoan nghênh, đó là một sự thực không chối cãi được. Tôi tin rằng ở phương Đông cũng như phương Tây, người ta ghét những kẻ tinh ranh quá trong sự giao thiệp."
Cho nên nếu những nét này nếu ở mức vừa phải, không gây trở ngại cho cuộc sống tự lập, với trí thông minh khá hoặc vượt trội, có thể giúp rất nhiều trong đường học vấn trong nhiều lãnh vực khoa bảng hoặc kỹ thuật, và ngay cả nghệ thuật, thi ca. Ở Việt Nam, chúng ta vẫn nhắc đến thi sĩ và nhà văn Bùi Giáng, văn sĩ Nguyễn Ngu Í mắc bịnh tâm thần nhưng vẫn thành công trong sự nghiệp văn chương.
Gần chúng ta hơn, những người tâm thần phân liệt nổi tiếng trong giới khoa học, âm nhạc cũng nhiều. Albert Einstein có người con đầu Eduard học rất giỏi, 20 tuổi thì mắc bịnh, mất lúc 55 tuổi trong "asylum", trại cho bịnh tâm thần. Tuy vậy có những bịnh nhân rất thành đạt, như Vincent van Gogh (1853-1890), chết trẻ vì dùng súng lục bắn vào ngực mình lúc 37 tuổi. Hai năm cuối đời là giai đoạn bịnh nặng nhất vì ông lên cơn điên loạn liên miên, nhưng cũng là lúc ông sáng tạo sung mãn nhất. Tranh ông bán hàng triệu đô la hiện nay ($82,500,000; “Portrait of Dr. Gachet”). John Nash, nhà toán học được giải Nobel, dạy đại học Princeton, suốt đời đương đầu với bịnh paranoid schizophrenia, là đề tài cuốn phim nổi tiếng (A Beautiful Mind, 2001) được nhiều giải Oscar. Hai vợ chồng chết trong một tai nạn taxi.
2) Hiện nay, lúc các bác sĩ tây y nhắc đến bịnh "khoa tâm thần" (psychiatry: psycho=tâm trí, linh hồn; iatry= làm cho lành, chữa trị), chúng ta nói đến 5 bịnh chính sau đây:
- bịnh tự kỷ (autism)
- bịnh thiếu chú ý và quá năng động (attention deficit hyperactivity disorder (ADHD))
- bịnh tâm thần lưỡng cực với những cơn trầm cảm, buồn bã xen kẻ với những cơn vui vẻ, hăng say ( bipolar disorder)
- bịnh trầm cảm lớn (major depression)
- bịnh thần kinh phân liệt (schizophrenia): người bịnh mất khả năng suy nghĩ sáng suốt, kiểm soát các cảm xúc của mình, quyết định và mất khả năng cư xử hợp lý với người khác. Triệu chứng quan trọng là những ảo giác (hallucinations; nghe, thấy, mùi); hoang tưởng (delusions, false beliefs) và những suy nghĩ không tổ chức hợp lý, rối loạn (disorganized thinking).
Ở đây chúng ta sẽ phần lớn bàn về nhóm gồm các bịnh tâm thần (mental disorders) này; những người bịnh trong nhóm có thể có một số triệu chứng giống nhau và người ta cũng nghĩ rằng có những nguyên nhân trên gen chung với nhau cũng như những rối loạn về sinh hoạt tế bào thần kinh tương tự như nhau. Nếu tính cả đời người, có thể chừng 1/3 dân số có dấu hiệu bịnh tâm thần trong một giai đoạn nào đó. Trong một năm nào đó, có chừng 1/5 người có rối loạn tâm thần (12 month prevalence). Tỷ số ở các nước Đông và Đông Nam Á Châu thấp hơn các nước tây phương.(2)
3) Có những dấu hiệu cho thấy các bịnh này xảy ra trong một số gia đình nhiều hơn gia đình khác, và các bịnh này liên hệ với nhau. Tuy nhiên luật di truyền ở đây không giản dị như trường hợp Gregor Mendel (1822-1884) nghiên cứu các hạt đậu cách đây trên 100 năm. Lúc Mendel trộn giống hạt đậu trơn thuần giống (smooth seeds) với hạt đậu nhăn thuần giống (wrinkled seeds), các hạt đậu thế hệ sau không phải nhăn vừa vừa mà đều nhăn thật sự. Nét gen nhăn này là nét trội (dominant trait), được truyền qua thành viên thế hệ sau. Bịnh tâm thần không giản dị như vậy, không có nghĩa cứ cha hay mẹ mắc bịnh này là con cái sẽ mắc bịnh giống như vậy.
Ví dụ, thay vì 1/100 người sẽ mắc bịnh tâm thần phân liệt (schizophrenia) nói chung, đối với con cái người bị bịnh này, trong 100 người con sẽ có chừng 10-15 bị bịnh này, cơ nguy cao hơn 10-15 lần, nhưng không phải người con nào cũng bị bịnh. (3)
4) Bịnh tâm thần do nhiều yếu tố gây ra, những yếu tố di truyền cũng như những yếu tố môi trường tương tác với nhau (nature and nurture) và chỉ trong một số trường hợp thuận tiện, bịnh tâm thần mới được thành hình và biểu lộ thành những triệu chứng. Năm 2013, người ta nghiên cứu các DNA của 30.000 bịnh nhân tâm thần (genome-wide association studies (GWAS) of the 5 major disorders) và so sánh với 28000 người bình thường thì nhận thấy có những thay đổi bất thường trong các gen liên quan đến sự di chuyển của ion Calcium vào các tế bào thần kinh (flow of calcium into neuron), ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ, chú ý và trí nhớ (emotion, thinking, attention and memory). Tuy nhiên, đứng trước một người cụ thể có mang một gen như vậy, khả năng người đó có triệu chứng bịnh tâm thần trên lâm sàng là bao nhiêu, có lẽ chỉ ít thôi, có lẽ chừng 5%, ngoài ra là phần của các gen khác và những yếu tố môi trường có thuận tiện hay không. (4)
Nguy cơ đặc biệt cao khi cha mẹ có một hoặc nhiều chứng bệnh quan trọng sau: rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu, ADHD, tâm thần phân liệt, rối loạn sử dụng rượu hoặc ma túy, hoặc trầm cảm. Những rối loạn này có thể được thừa hưởng từ cha mẹ thông qua các gen.
Trong một cuộc khảo cứu ở Thuỵ Điển (Sweden) về 28 người mẹ bị tâm thần phân liệt, hết 89% con cái của họ có những triệu chứng bịnh tâm thần, cao gấp 13 lần con cái của những người mẹ lành mạnh. 40% các trẻ này bị trầm cảm , cao gấp 3 lần nhóm có mẹ lành mạnh; và triệu chứng trầm cảm có thể là dấu báo hiệu của bịnh thân kinh phân liệt ở người con sau này, do đó, nếu có phương tiện chữa trị sớm thì tốt hơn.(5)
Một khảo cứu khác (2016) gồm 1,7 triệu người ở Đan Mạch (Denmark, 1967-1997) cũng cho thấy con cái của những người có triệu chứng tâm thần đủ loại (chứ không riêng gì bịnh tâm thần phân liệt) có tỷ lệ tự tử và bạo lực (aggression) nhiều hơn người khác, đặc biệt khuynh hướng bạo lực tăng nhiều hơn ở phái nữ.(6)
Cha mẹ mắc bịnh tâm thần không những ảnh hưởng đến con cái qua những yếu tố di truyền mà thôi. Do cha mẹ bị bịnh, môi trường trong gia đình đó, cách cư xử, dạy dỗ con cái của gia đình đó là một yếu tố quan trọng khác làm cho con cái họ dễ mắc bịnh tâm thần hơn nữa. Nếu cả hai cha và mẹ, và nếu trong đại gia đình, ông bà hay chú bác cùng bị bịnh tâm thần, áp lực và ảnh hưởng trên đứa trẻ càng cao hơn nữa.
Một môi trường gia đình không ổn định, làm đứa trẻ bất an không thể đoán trước việc gì sắp xảy ra, cũng góp phần gây ra bệnh tâm thần ở trẻ em. Bệnh tâm thần của cha mẹ có thể gây căng thẳng cho hôn nhân và ảnh hưởng đến khả năng làm cha mẹ của cặp vợ chồng, do đó có thể gây hại cho đứa trẻ.
Điều quan trọng là phụ huynh phải được điều trị. Nghiên cứu cho thấy rằng khi cha mẹ bị ảnh hưởng của bệnh tâm thần được chữa bịnh với kết quả tốt ( bằng liệu pháp tâm lý hoặc thuốc), các triệu chứng của trẻ em sẽ cải thiện.
Theo American Academy of Child and Adolescent Psychiatry (7), các yếu tố che chở khác có thể làm giảm nguy cơ cho trẻ em bao gồm:
Trẻ biết rằng cha mẹ của họ đang mắc bệnh và lỗi không phải tại nó.
Giúp đỡ và hỗ trợ từ các thành viên trong gia đình:
Một môi trường gia đình ổn định
Tâm lý trị liệu cho trẻ và cha mẹ
Trẻ có cảm giác người cha mẹ tuy bị bệnh vẫn yêu thương mình.
Trẻ có cá tính (personality) ổn định
Trẻ có lòng tự tin.
Trẻ có nội lực (inner strength) và biết cách đối phó với tình huống khó khăn, thử thách.
Trẻ có mối quan hệ vững chắc với một người lớn lành mạnh ngoài cha mẹ bị bịnh.
Trẻ có bạn tốt và mối quan hệ tích cực với bạn bè.
Trẻ thích học, chăm học và học giỏi ở trường.
Những thú vui, giải trí lành mạnh bên ngoài nhà mình.
Giúp đỡ từ bên ngoài gia đình để cải thiện môi trường gia đình (ví dụ như liệu pháp tâm lý hôn nhân hoặc các lớp dạy con cái).
Nhân viên y tế, chuyên gia về sức khoẻ tâm thần và các chuyên gia dịch vụ xã hội làm việc với người lớn mắc bịnh tâm thần cần hỏi về con của họ, đặc biệt là về sức khoẻ tâm thần và sự phát triển cảm xúc của họ. Nếu có những vấn đề đáng quan tâm về con cái họ, cần giới thiệu đến người chuyên môn về sức khoẻ tâm thần trẻ em. Chữa trị cho từng cá nhân hay cho cả gia đình có thể giúp cho con cái người bịnh phát triển tốt hơn.
Nói tóm lại, người mắc bịnh tâm thần thì con cái họ dễ bị bịnh tâm thần hơn người khác. Yếu tố môi trường (hoàn cảnh gia đình xã hội) cũng quan trọng không kém trong việc những người con cái này có một cuộc sống ý nghĩa hay lành mạnh hay không. Có con hay không có con, có con rồi có nên sanh thêm hay không là một quyết định tuỳ theo hoàn cảnh của mỗi người cha mẹ tương lai. Mỗi bịnh tâm thần, mỗi trường hợp đều khác nhau và quy luật di truyền có thể khác nhau, bịnh nhân cần tham khảo với bác sĩ của mình, với chuyên gia di truyền (geneticist) nếu cần. Không nên quá bi quan vì mỗi mạng sống, mỗi đứa trẻ chào đời, mạnh khoẻ hay không, mang một ý nghĩa riêng của chính nó và đối với cha mẹ nó.
Chúc quý vị thính giả may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 31 tháng 1, năm 2018
References:
1) Charles Schmidt: Mental Health May Depend on Creatures in the Gut
The microbiome may yield a new class of psychobiotics for the treatment of anxiety, depression and other mood disorders
2) The global prevalence of common mental disorders: a systematic review and meta-analysis 1980–2013https://academic.oup.com/ije/article/43/2/476/2901736
3) Jason William; Children of Schizophrenic Moms at Risk
https://www.psychologytoday.com/articles/200305/children-schizophrenic-moms-risk
4) Common Genetic Factors Found in 5 Mental Disorders
https://www.nih.gov/news-events/nih-research-matters/common-genetic-factors-found-5-mental-disorders
5) Genetics of psychiatric disorders
https://www.nature.com/articles/nn0605-693
6) Parental Psychiatric Disease and Risks of Attempted Suicide and Violent Criminal Offending in Offspring A Population-Based Cohort Study
Pearl L. H. Mok, PhD1; Carsten Bøcker Pedersen, DrMedSc2,3,4; David Springate, PhD5; et
https://jamanetwork.com/journals/jamapsychiatry/fullarticle/2546637
7) https://www.aacap.org/aacap/families_and_youth/facts_for_families/Facts_for_Families_Pages/Children_Of_Parents_With_Mental_Illness_39.aspx
Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.