Bệnh nhân AIDS thứ hai trên thế giới được chữa khỏi

Timothy Ray Brown, trong bức ảnh chụp ngày 4/3/2019 ở Seattle, là người đầu tiên được chữa khỏi HIV cách đây hơn 1 thập kỷ. Các nhà nghiên cứu đang ghi nhận một bệnh nhân thứ 2 đã sống được 18 tháng sau khi ngừng dùng thuốc đặc trị HIV.

Một bệnh nhân dương tính HIV ở Anh đã trở thành người thứ hai được biết đến trên toàn thế giới không còn nhiễm virus AIDS sau khi ông được ghép tủy xương từ một người hiến tặng miễn dịch với HIV, theo các bác sỹ của bệnh nhân này cho biết.

Gần 3 năm sau khi được cấy các tế bào gốc tủy xương từ một người hiến tặng có đột biến gien hiếm gặp và miễn nhiễm HIV – và sau hơn 18 tháng kể từ khi ông ngừng sử dụng đặc trị chống HIV – các xét nghiệm có độ nhạy cảm cao vẫn cho thấy không có dấu vết nào của việc nhiễm HIV trước đây ở người đàn ông này.

“Không có bất kỳ virus nào mà chúng tôi tìm thấy được. Chúng tôi không thấy bất cứ thứ gì,” Ravindra Gupta, một giáo sư và nhà sinh học HIV – người cùng hướng dẫn một nhóm bác sỹ điều trị người đàn ông này, cho biết.

Các chuyên gia về AIDS nói rằng trường hợp này là một bằng chứng của khái niệm rằng các nhà khoa học một ngày nào đó sẽ có thể chấm dứt bệnh AIDS, và đánh dấu một “thời khắc quan trọng” trong việc tìm ra một phương thuốc chữa HIV, nhưng không có nghĩa là phương thuốc đó đã được tìm ra.

GS Gupta mô tả bệnh nhân của ông là “đã được cứu chữa về mặt chức năng” và “đã thuyên giảm bệnh,” nhưng cảnh báo rằng: “Vẫn còn quá sớm để nói rằng ông ấy đã khỏi hẳn bệnh.”

Người đàn ông được gọi là “bệnh nhân London” một phần vì trường hợp của ông giống với trường hợp được biết đến đầu tiên cũng được chữa khỏi HIV về mặt chức năng – đó là một người đàn ông Mỹ có tên Timothy Brown, được gọi là bệnh nhân Berlin do ông được điều trị bằng phương pháp tương tự ở Đức vào năm 2007 trong đó virus HIV cũng bị tiêu diệt hết.

Ông Brown đã chuyển về Mỹ kể từ đó sau khi sống ở Berlin và, theo các chuyên gia HIV, vẫn không có virus HIV trong người.

Khoảng 37 triệu người trên toàn thế giới hiện đang bị nhiễm HIV và dịch bệnh AIDS đã giết chết khoảng 35 triệu người trên toàn cầu kể từ khi nó xuất hiện vào thập niên 1980. Nghiên cứu khoa học về virus phức tạp này trong những năm gần đây dẫn tới sự phát triển các dược chất kết hợp có thể khống chế được virus này ở các bệnh nhân.

Giáo sư Gupta, hiện giảng dạy tại Đại học Cambridge, chữa trị cho bệnh nhân London khi ông đang làm việc tại Đại học College London. Ông Gupta cho biết người đàn ông này nhiễm HIV vào năm 2003 và vào năm 2012 bị chẩn đoán bị một dạng ung thư máu gọi là Lymphoma Hodgkin.

Vào năm 2016, khi ông ấy rất yếu vì bệnh ung thư, các bác sỹ quyết định tìm kiếm người phù hợp để cấy ghép cho ông.

“Đó thực sự là cơ hội cuối cùng của ông ấy để sống sót,” Giáo sư Gupta nói với Reuters.

Người hiến tặng – không có quan hệ họ hàng với bệnh nhân – có đột biến gien CCR5, tức là miễn dịch với HIV.

Theo hầu hết các chuyên gia, có thể hình dung được rằng những việc điều trị như vậy có thể là phương pháp cứu chữa cho tất cả các bệnh nhân. Quá trình chữa trị còn tốn kém, phức tạp và nhiều nguy cơ. Để làm được việc này, cần tìm được những người hiến tặng thích hợp một cách chính xác trong số ít người – hầu hết là người có nguồn gốc bắc Âu – với đột biến CCR5 làm cho họ miễn nhiễm với virus HIV.

“Mặc dù đây không phải là một chiến lược chữa trị có thể làm được ở quy mô lớn nhưng nó cũng cho thấy một khoảnh khắc quan trọng,” theo chủ tịch Hiệp hội AIDS Quốc tế, Anton Pozniak. “Hy vọng là ở chỗ, điều này cuối cùng sẽ dẫn tới một chiến lược an toàn, ít tốn kém và dễ dàng… bằng việc sử dụng công nghệ gien hoặc các phương pháp kháng thể.”